Mang vàng đi thử lửa

08:40, 16/11/2012

Từ Nội Bài (Hà Nội) đến Soekarno - Jakarta, thủ đô nước Cộng hoà Indonesia mất 9 giờ đi máy bay và làm các thủ tục cần thiết. Đến hotet Atlet Century, nhận phòng nghỉ vừa đúng 2 giờ sáng ngày 14-11. Nhiều người trong đoàn nói vui: Đây là một trong những chuyến Việt Nam mang vàng đi thử lửa.

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, Trưởng Ban Tổ chức thi tay nghề Quốc gia, Trưởng đoàn công tác cho biết: Tại cuộc thi này, Việt Nam có 94 thành viên tham dự, trong đó có lãnh đạo Tổng Cục dạy nghề, các chuyên gia, quan sát viên và 44 thí sinh (T.S) đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và một số đơn vị có T.S đạt giải quốc gia năm 2012 do Tổng Cục dạy nghề tổ chức. Việt Nam tham gia thi 22 nghề và 1 nghề trình diễn. So với các đội khác như Thái Lan, Indonesia, Lào, Cam Pu Chia... Việt Nam có số T.S tham gia đông hơn.

 

Trong cuộc đua tài này, T.S Việt Nam sẽ phải làm việc hết sức mình để tranh tài với T.S các nước bạn. Đặc biệt, đây là cuộc thi dành cho người có tay nghề giỏi ở độ tuổi dưới 22, nên hầu hết T.S Việt Nam cũng như các nước tham dự đều còn rất trẻ. Hầu hết các nước đều rất quan tâm tới việc đầu tư cho T.S tham gia đội tuyển. Riêng Việt Nam, T.S tham gia đội tuyển đều đã giành được huy chương vàng, bạc từ các cuộc thi tay nghề quốc gia, vì thế các T.S đều tỏ rõ sự tự tin, quyết tâm cao khi vào cuộc. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Trường, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề, đại biểu kỹ thuật cho biết: T.S có ở cả 3 vùng miền của Tổ quốc, do đó khi lên đường đến Jakarta, chúng tôi phải chia thành 2 nhóm. Một nhóm xuất phát từ T.P Hồ Chí Minh và một nhóm xuất phát từ Hà Nội, đến sân bay Kuala Lumpur - Malaysia thì hợp lại thành đoàn rồi cùng chuyến bay đến thành phố Jakarta.

 

Đi máy bay, nhưng từng nhóm lỉnh kỉnh các loại đồ đạc, dụng cụ phục vụ cho kỳ thi. Nhất là T.S nhóm nghề dịch vụ nhà hàng, nghề nấu ăn. Nhẹ nhàng như nhóm T.S nghề Kỹ thuật công nghệ; Điện tử; Công nghệ thông tin... cũng mang theo các vật bất ly thân là bàn phím, chuột... T.S Bùi Thọ Tiến, Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội, tham gia thi nghề nấu ăn cho biết: Em mang theo đồ đạc riêng để phục vụ bếp núc trong ngày thi, vì nếu được sử dụng, em sẽ thành thạo hơn so với đồ dùng của Ban tổ chức. T.S Mu Ham Mach (người dân tộc Chăm), Trường Trung cấp nghề công nghệ Hùng Vương (T.P Hồ Chí Minh), thi nghề quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin cho biết: Trước ngày bước chân vào phòng thi, Ban tổ chức sẽ cho T.S làm quen với thiết bị máy móc, nhưng chỉ một chi tiết khác trên thiết bị cũng có thể làm cho T.S bị phân tâm. Còn T.S Hà Huy Giáp,  Trường Đại học Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh, dự thi thiết kế đồ họa cho biết thêm: Em mang theo bàn phím ghi chữ Việt, như thế việc sử dụng sẽ dễ dàng hơn so với sử dụng bàn phím có chữ Anh hoặc chữ nước khác.

 

Việc chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho kỳ thi chỉ là một phần nhỏ của chuyến “mang chuông đi đấm xứ người” của các T.S Việt Nam. Bởi ai cũng xác định được đây là một cuộc thi công khai, nghiêm túc, nếu có may rủi cũng chỉ chiếm trong khoảng 1%; 99% của thành công là ở bản thân mỗi T.S tự quyết định bằng chất lượng bài thi của mình. Xác định rõ như vậy, nên ngay sau kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, các em đã bước vào đợt học tập, nâng cao chất lượng tay nghề khá khắc nghiệt. Bởi ở những cuộc thi như thế này, không chỉ mang lại niềm vinh quang cho cá nhân mỗi T.S, mà còn là danh dự, là màu cờ, sắc áo của người Việt Nam trên trường quốc tế. Các em còn rất trẻ, tuổi đôi mươi phơi phới dậy tương lai, song khác với nhiều bạn đang tuổi đôi mươi khác, các em là người thợ có đôi bàn tay vàng - đôi bàn tay ấy mang sánh với năm châu, bốn biển, cũng khắc nghiệt như việc người ta mang vàng đi thử lửa.