Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam

08:37, 04/11/2012

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (ảnh). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự.

Báo cáo Tổng quan về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhấn mạnh: Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xảy ra ở một số nước có truyền thống ưa thích con trai thuộc các khu vực Đông Á, Nam Á, Trung Á và Bắc Phi từ những năm cuối của thập kỷ 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX.

 

Theo Tổng cục thống kê, tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) thay đổi qua các năm. Trong những năm từ 2001-2005, TSGTKS biến động lên xuống. Nhưng từ năm 2006, với mức TSGTKS là 109,8 thì vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Cụ thể: năm 2006 là 110 trẻ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2007, con số này là 111/100; năm 2008 là 112/100; năm 2009 là 110,5/100; năm 2010 là 112,2/100; năm 2011 là 111,9/100. Phân tích số liệu thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ 8 tháng đầu năm 2012, TSGTKS đã ở mức 112,67/100.

 

Cũng theo thống kê, TSGTKS cao thường rơi vào những tỉnh xung quanh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, trong đó cao nhất là các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… Đây là những địa phương thuộc vùng kinh tế năng động, tư tưởng nho giáo khá nặng nề, sự ưu thích con trai mãnh liệt và người dân có điều kiện tiếp cận khá dễ dàng các dịch vụ chọn lọc trước sinh.

 

Theo ông Dương Quốc Trọng phân tích, nếu TSGTKS của các nước khác cao ở những lần sinh sau thì đối với Việt Nam tỉ số này cao ngay từ lần sinh đầu tiên, tăng dần và cao nhất ở lần sinh cuối. Ở lần sinh thứ ba trở lên, tỉ số này là 115,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Một số cặp vợ chồng đã chủ động tìm kiếm kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu tiên. Đối với những gia đình mới chỉ sinh được 2 con gái thì ở lần sinh thứ ba, TSGTKS lên tới 130.

 

Điều đáng lo ngại là sự mất cân bằng giới tính khi sinh lại đến từ những nơi có đời sống kinh tế phát triển, từ những gia đình khá giả và từ những người có trình độ học vấn cao.

 

Mặc dù còn hàng thập kỷ nữa những hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam mới hiện hữu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dựa vào những bằng chứng và kết quả nghiên cứu từ những nơi có TSGTKS cao xảy ra trước có thể dự báo được những hậu quả của mất cân bằng TSGTKS đang xảy ra hiện nay ở Việt Nam.

 

Là một xã hội có thiết chế gia đình là phổ biến, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong thị trường hôn nhân. Một bộ phận nam giới có thể sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người trong số họ không thể kết hôn. Bên cạnh đó, việc gia tăng tuổi kết hôn của phụ nữ (độ tuổi này hiện nay là 22,8) đi liền với những thay đổi về kinh tế - xã hội và các luồng di cư lại càng làm trầm trọng hơn nữa tình trạng này.

 

Một số hậu quả khác do thừa nam thiếu nữ có thể thấy trước được là việc gia tăng quy mô các hoạt động mãi dâm (là hoạt động không hợp pháp theo pháp luật Việt Nam), và cả những hành vi không thể chấp nhận được như cưỡng dâm, bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái.

 

Nhận thức rõ những hậu quả trong tương lai của việc gia tăng TSGTKS, với mong muốn giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động can thiệp tích cực về xây dựng và thực hiện pháp luật, truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường nghiên cứu và thu thập thông tin về TSGTKS.

 

Đặc biệt, gần đây nhất, tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định mục tiêu thực hiện trong giai đoạn (mục tiêu cụ thể 4): Giảm mạnh tốc độ tăng TSGTKS, đặc biệt tập trung vào các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về TSGTKS, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào khoảng năm 2025. Chỉ tiêu là TSGTKS dưới mức 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và dưới mức 115/100 vào năm 2020.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số. Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm và giúp sức của Tổ chức Dân số Thế giới (UNFPA) trong nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang trở thành vấn đề nóng và về lâu dài sẽ tác động không tốt tới sự phát triển của đất nước. Đây là vấn đề thách thức của toàn xã hội. Do đó, việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

 

Phó Thủ tướng cho rằng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ không thể giảm được nhanh trong thời gian tới nhưng vẫn phải quyết tâm làm. Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông, vận động cần phải được đẩy mạnh; từng bước vận động người dân giảm tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ, không phân biệt con trai, con gái.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần bàn với ngành Giáo dục để đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức ngay từ khi học sinh còn ngồi ghế nhà trường, các em sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới; đồng thời đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể để có kế hoạch và giải pháp cho vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong năm 2013 và những năm tiếp theo.