Nỗ lực phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam

15:11, 09/11/2012

Cam kết này được đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Dạy nghề Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng các trường đại học đưa ra trong buổi lễ kỷ niệm 15 năm ngày Công tác xã hội thế giới diễn ra tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội sáng nay, 9- 11.

Công tác xã hội (CTXH) là lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới tại Việt Nam. Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận CTXH là một ngành đào tạo từ năm 2004, hiện nay có trên 40 trường ĐH, CĐ đào tạo CTXH trong cả nước với hơn 2.500 sinh viên tốt nghiệp và là một ngành có nhu cầu lớn trong xã hội.

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nghề CTXH trong nhà trường, hệ thống dịch vụ CTXH, thông qua một số chương trình quốc gia về chính sách để cải thiện và bảo vệ trẻ em và người dễ bị tổn thương như: Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em 2011- 2015, Chương trình quốc gia về hỗ trợ xã hội và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho những người tâm thần 2011 - 2020 và Chương trình quốc gia để hỗ trợ người khuyết tật 2012 - 2020.

 

Việt Nam đã xây dựng và ban hành mã nghề CTXH và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho nhân viên công tác xã hội, đang có những thành công bước đầu trong việc thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, góp phần tăng cường lực lượng lao động phúc lợi xã hội và cải thiện các dịch vụ phúc lợi xã hội cho trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Mục tiêu của ngành đến năm 2020, Việt Nam đào tạo được 65,000 nhân viên CTXH và cộng tác viên xã hội.

 

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần sự hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức, trường đại học quốc tế. Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: “Để hỗ trợ các nhân viên xã hội hoạt động hiệu quả, Việt Nam cần có một khuôn khổ pháp lý để xác định rõ vai trò và chức năng của nhân viên xã hội trong các lĩnh vực khác nhau như: phúc lợi, y tế, tư pháp và giáo dục. Tôi muốn đề xuất Việt Nam xây dựng một luật quy định về thực hành CTXH cũng như điều chỉnh các luật và chính sách hiện hành để xác định vai trò và chức năng của cán bộ xã hội trong các lĩnh vực như phúc lợi, y tế, tư pháp và giáo dục”.

 

UNICEF cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế , Bộ Giáo dục - Đào tạo, các cơ quan liên quan và các trường đại học trong việc phát triển nghề CTXH ở Việt Nam, góp phần nâng cao phúc lợi và công bằng xã hội cho người dân và trẻ em.

 

Hiện cả nước có 500 cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, nhiễm độc da cam/dioxin và các trung tâm giáo dục xã hội dành cho người nghiện ma túy, từng hành nghề mại dâm với khoảng 35.000 nhân viên.