Nốt lặng của bản tráng ca

09:05, 28/11/2012

Ngày 24/12/1972, tại ga Lưu Xá, T.P Thái Nguyên đã ghi dấu một sự kiện lịch sử bi tráng: 60 chiến sĩ thuộc Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 915 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ  bốc dỡ hàng hóa. Đây là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Để tri ân những cống hiến của đơn vị, năm 2009, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915, địa danh ga Lưu Xá cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tròn 40 năm đã trôi qua, những chàng trai, cô gái còn lại của Đại đội 915 Anh hùng năm xưa nay tóc đã điểm bạc. Có người được quây quần bên cháu con, gia đình, có người lặng lẽ "đơn thân gối chiếc" và có nhiều người vẫn nhọc nhằn bên gánh hàng rong mưu sinh trong cuộc sống thường ngày…

 

Chúng tôi hỏi thăm tới nhà chị Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ). Chị là người duy nhất còn sống ở Thái Nguyên có mặt trong sự kiện đau thương tại ga Lưu Xá năm ấy. Đang chăm sóc vườn chè trước cửa, chị dừng tay tiếp chuyện chúng tôi. Khi nhắc đến đồng đội đã hy sinh và quãng thời gian chị còn là chiến sĩ của Đại đội 915, những giọt nước mắt cứ nối nhau lăn dài trên má. Chị khóc vì nhớ thương đồng đội và chạnh buồn khi nghĩ đến cuộc sống thực tại còn lắm khó khăn của mình

 

 

 

 

Chị Lương Thị Hội (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trong Đại đội 915

 

 

Chị Hội nhớ lại: Đại đội 915 được thành lập tháng 6/1972, là “đơn vị út” trong Đội 91 TNXP Bắc Thái. Ban đầu đơn vị đóng tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội đã nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom. 3 tháng sau ngày thành lập, ngày 13/9/1972, chị Hội cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ san lấp đường, đào rãnh thoát nước tại khu vực xóm Làng Phan, xã Linh Sơn thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom. Hôm ấy, bom giặc đã khiến 1 người trong đơn vị hy sinh và 8 người khác bị thương.

 

Chị Hội nhớ nhất sự kiện Mỹ ném hơn 700 quả bom xuống Thái Nguyên, trong đó tập trung ở ga Lưu Xá vào tối 24/12/1972. “5 giờ sáng hôm đó, đơn vị có lệnh tập trung lên xe đi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Chúng tôi được giao vận chuyển các bao gạo, bột mỳ lên tầu để đưa đến địa điểm an toàn, từ đó chuyển đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi làm một mạch đến gần tối, chỉ còn chuyến xe cuối cùng chưa kịp bốc dỡ nốt thì đột nhiên có báo động. Lúc ấy có mấy anh, trong đó có Đại đội phó Nguyễn Thế Cường vừa hô, vừa đẩy chúng tôi vào hầm trú ẩn để các anh ấy ở bên ngoài che chắn cho. Ban đầu máy bay thả bom đánh sập 2 đầu của căn hầm hình chữ U, rồi một quả bom rơi trúng giữa hầm. Tôi bị bom hất văng lên khỏi mặt đất, các mảnh vỡ bắn vào mặt vào người khiến tôi chết ngất. Đến gần sáng nghe tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng cuốc xẻng đào bới tôi mới tỉnh lại và biết rất nhiều đồng đội đã hy sinh".

 

Cơn xúc động làm chị nghẹn lời, đưa tay gạt nước mắt, im lặng như để hít thở thật sâu chị kể tiếp: “Tỉnh lại tay tôi cào bới muốn tìm kiếm đồng đội nhưng không thể vì tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Tôi và một chị nữa tên là Ly vừa hỏi thăm đường vừa cố lết về đơn vị cách đó gần chục km. Tới nơi thì kiệt sức, ngã gục và không biết gì nữa. Toàn thân tôi bị những mảnh vụn của bom cào rách, mất máu nhiều nên ai cũng nghĩ là tôi sẽ chết, bản thân cũng không nghĩ mình còn có thể sống sót được. Bố và anh trai tôi lặn lội từ nhà ở Bắc Kạn mang gạo, mang gà xuống thăm. Bố tôi vừa khóc, vừa nói “bố xuống nhìn mặt con lần cuối. Nếu con có chết thì bố còn được thắp cho con một nén hương ở nơi này".

 

Một trong 8 người bị thương trong trận Mỹ rải bom ở xã Linh Sơn tháng 9/1972 mà chị Hội đã nhắc đến là chị Chu Thị Pảo hiện đang sống tại tổ 10, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Ngày 24-12-1972 cũng là ngày chị không thể nào quên trong cuộc đời mình. Vết thương của trận bom ngày 13/9 đã khiến chị phải nằm viện điều trị và chỉ được xuất viện trước hôm Noel năm 1972 đúng 3 ngày. Sáng đó, chị đã lên xe, xin được đi làm nhiệm vụ ở ga Lưu Xá nhưng không được Đại đội trưởng đồng ý vì lý do sức khỏe. Không ngờ đó cũng là thời khắc cuối cùng chị được ngồi bên nhiều đồng đội của mình. Chiến tranh kết thúc, chị được chuyển sang làm việc trong ngành xây dựng. Phần nhiều vì lý do sức khỏe nên chị không lập gia đình và sống một mình từ đó đến nay. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ chưa đầy 50m2, chị tâm sự: “Với mức thương tật 21%, hiện tại mỗi tháng tôi được trợ cấp 500 nghìn đồng, ngoài ra không có thu nhập gì thêm, cũng không còn khả năng lao động. Giờ niềm vui duy nhất của tôi là thỉnh thoảng được gặp lại anh em, đồng đội cũ”.

 

Lần theo địa chỉ trong danh sách của Ban liên lạc cựu TNXP Đại đội 915, chúng tôi còn tìm gặp chị Hoàng Thị Mới. Căn phòng trọ rộng chừng 20m2 đằng sau số nhà 168, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) là nơi sinh sống của chị cùng con gái và cháu ngoại. Gia nhập Đại đội 915 khi chưa đầy 18 tuổi, chị Mới là một trong những người trẻ nhất đơn vị. Nay trở về đời thường, cuộc sống của chị đang gặp nhiều khó khăn. Ngày mới của chị bắt đầu từ khi gà chưa gáy sáng, đôi chân "mòn" theo những gánh rau rong ruổi khắp các xóm ngõ, để mỗi ngày đổi lấy ba, bốn mươi ngàn đồng trang trải tiền nhà trọ và chi phí hàng ngày.

 

Chúng tôi xin trích lời chị Mai Thị Vui, Phó Ban liên lạc Đại đội 915 thay cho lời kết của bài: Hầu hết những cựu TNXP của đơn vị có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đây là điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi, mong rằng chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa để cuộc sống của các cựu thanh niên xung phong hôm nay vơi bớt nhọc nhằn.