Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ: Tháo gỡ nhiều “nút thắt”

08:54, 05/11/2012

Sau 12 năm thực hiện, Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về KHCN trong giai đoạn hiện nay. Thực tế ấy đòi hỏi cần phải sửa đổi luật, tạo đà cho hoạt động KHCN có bước phát triển mới.  

 

Lộ nhiều bất cập

 

Theo Bộ KHCN, Luật KHCN năm 2000 chưa tạo được cơ chế hữu hiệu để thiết lập sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý hoạt động KHCN ở quy mô quốc gia. Vai trò điều phối hoạt động KHCN của Bộ KHCN chưa thực hiện tốt, dẫn tới tình trạng đầu tư phân tán, trùng lắp và hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa phân định rõ chức năng và trách nhiệm trong sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc cơ quan quản lý ngành về KHCN, giữa đơn vị sự nghiệp và cơ quan quản lý, nhiều đơn vị cùng tham gia thực hiện một việc nhưng không rõ ràng về trách nhiệm. Ngành KHCN chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng thông tin đủ mạnh để hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước.

 

Đến nay, nước ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về nguồn lực và các nhiệm vụ nghiên cứu (chương trình, đề tài, dự án KHCN) để phục vụ cho công tác kế hoạch, quản lý, hoạch định chính sách KHCN. Bên cạnh đó, trình độ và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý có nhiều điểm hạn chế, trong khi việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý chưa được chú trọng, chế độ đãi ngộ đối với công chức quản lý nói chung còn nhiều bất cập, khó thu hút người giỏi yên tâm gắn bó với công tác quản lý hoạt động KHCN.

 

Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải cho rằng, khi Luật KHCN năm 2000 được ban hành, Việt Nam chưa là thành viên của WTO, chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Vì vậy, sửa đổi luật là để tạo cơ sở pháp lý nhằm triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KHCN: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KHCN; tăng cường năng lực KHCN; đẩy mạnh ứng dụng KHCN để giải quyết những vấn đề cốt yếu của đất nước.

 

Doanh nghiệp không thể ngoài cuộc

 

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn (Liên hiệp Các hội KHKT TP Hồ Chí Minh), nền khoa học của một đất nước chắc chắn khó phát triển nếu chỉ dựa vào ngân sách. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đến nay hầu như vẫn đứng ngoài "sân chơi" KHCN, trong khi lẽ ra họ phải là những "ông chủ" thực sự. Cụ thể, việc chỉ quy định DN "được" trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN đồng nghĩa với việc DN không bị buộc phải đầu tư cho hoạt động KHCN. Kết quả là, số DN quan tâm đến KHCN rất hiếm hoi.

 

Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo Luật KHCN sửa đổi đã bổ sung quy định DN được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển KHCN, lập quỹ phát triển KHCN nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Chính phủ sẽ quy định tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế của DN để đầu tư phát triển hoạt động KHCN. Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp DN đầu tư, liên kết với các tổ chức KHCN để đầu tư nghiên cứu những vấn đề KHCN thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được các quỹ trong lĩnh vực KHCN xét hỗ trợ, cho vay một phần kinh phí...

 

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho biết thêm, Dự thảo Luật KHCN sửa đổi cũng sẽ làm rõ thêm quyền sở hữu, đại diện quyền sở hữu nhà nước, thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ KHCN được tạo ra bằng ngân sách cho tổ chức có đủ điều kiện thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó, ưu tiên tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh; quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Dự thảo luật cũng sẽ thể chế hóa việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ KHCN bằng những quy định chế độ đặc biệt với nhà khoa học được giao nhiệm vụ KHCN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học có cống hiến đặc biệt xuất sắc...

 

Dự thảo Luật KHCN năm 2000 (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư (Quốc hội khóa XIII) đang diễn ra và dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2013. Điều này thể hiện hoạt động KHCN đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc và tiếp tục khẳng định, KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước những năm tới.