Tạm dừng xử phạt xe không chính chủ

09:34, 30/11/2012

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, các vấn đề đặt ra trong Nghị định 71 như đăng ký xe chính chủ, chuyển quyền sở hữu không phải là mới nhưng vừa qua, do cách tổ chức thực hiện không tốt nên gây phản ứng khác nhau trong xã hội.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết xung quanh phản ứng của dư luận đối với Nghị định 71/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Chính phủ đã ghi nhận và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp, thuận tiện cho người dân.



Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, các vấn đề đặt ra trong Nghị định 71 như đăng ký xe chính chủ, chuyển quyền sở hữu không phải là mới nhưng vừa qua, do cách tổ chức thực hiện không tốt nên gây phản ứng khác nhau trong xã hội. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an có đánh giá.

 

Các bộ đều thống nhất là khi triển khai thực hiện, có 2 điểm không thuận trong dân. Một là, việc phạt hành vi không chuyển đổi phương tiện lại được phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có phải chính chủ hay không. Hai là, người dân phản ánh giá trị xe không cao nhưng phí sang tên đổi chủ cao, hơn nữa còn làm tăng thủ tục hành chính.

 

“Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét đánh giá lại và kiến nghị mức phù hợp. Chính phủ cũng yêu cầu xem xét quy trình sang tên đổi chủ xe cũ phù hợp, thuận tiện nhất cho dân” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

 

Theo quan điểm của Chính phủ, phản ứng của dư luận vừa qua liên quan đến  xe chính chủ, phí chuyển đổi phương tiện là do triển khai thực hiện không đúng chứ không phải nghị định sai. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương soạn thảo thông tư thực hiện đúng bản chất sự việc. Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 71, lực lượng công an làm nhiệm vụ tạm dừng xử lý người sử dụng phương tiện theo quy định xe chính chủ của nghị định này.

 

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đánh giá cơ bản, các chỉ tiêu chính được Quốc hội thông qua cho năm 2012 đều đạt được. Lạm phát cả năm ước tính dừng lại ở mức 7,5%. Đối với năm 2013, Quốc hội đã giao chỉ tiêu lạm phát phải thấp hơn, tăng trưởng phải cao so với năm nay. Do đó, ngay tại cuộc họp này, Chính phủ đã bắt tay vào triển khai các giải pháp thực hiện cho năm 2013.

 

Mặc dù kinh tế - xã hội đang có những chuyển biến tích cực như chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm (đầu tháng 3 tồn kho 34,9% thì đến đầu tháng 10 chỉ còn 20,3%), chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước... nhưng Chính phủ đánh giá đây vẫn là mức tăng thấp.

 

Bên cạnh đó, lạm phát đã giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 xuống chỉ còn 0,47% vào tháng 11 nhưng kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, còn tiềm ẩn khả năng lạm phát cao trở lại. Đặc biệt, những thách thức dồn từ năm 2012 chuyển giao sang năm 2013 như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng cao khó xử lý… vẫn rất lớn.