Thực hư việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm

09:08, 13/11/2012

Trước sự rộ lên việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên đã thâm nhập tìm hiểu thực tế tại Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở xóm Đọ 2, xã Đại Hóa, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). Được biết, tại đây có một người đã giúp tìm kiếm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ cho nhiều gia đình ở Thái Nguyên, và người đó xưng là “Thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn.  

Kỳ II: “Thế giới” nhà ngoại cảm và những điều mắt thấy, tai nghe

 

Tấp nập cảnh chọn “ghế”, “nhập hồn”

 

Theo lời kể của một số người dân sinh sống ở xóm Đọ 2, xã Đại Hóa, người đàn ông xưng là “thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn có khả năng tìm kiếm mộ liệt sĩ tên thật là Bắc, ngoài 40 tuổi. Từ năm 2011, sau khi đi tìm kiếm hài cốt của người chú ruột (là liệt sĩ Phạm Minh Tuấn) thông qua một nhà ngoại cảm ở tỉnh Bắc Ninh, ông Bắc đột nhiên tự xưng… được người chú “nhập hồn”, có khả năng tìm mộ liệt sĩ và mở trung tâm với tên gọi: Thủ trưởng Phạm Minh Tuấn, Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

 

Vào gửi xe tại một gia đình bán hàng tạp hóa kiêm quán ăn bình dân ngay bên cạnh Trung tâm, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện thần bí về việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ Trung tâm này. Theo đó, “thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn đã tìm được khoảng 2.000 ngôi mộ liệt sĩ cho các gia đình (trong đó có rất nhiều trường hợp ở Thái Nguyên). Ngồi trong quán, chúng tôi thấy người ra, vào nhà “thủ trưởng” nườm nượp, xe máy, ô tô đậu kín hai bãi đất rộng trước cửa. Cũng theo lời người dân trong xóm thì ban đầu, Trung tâm rất sơ sài với vài tấm bạt dựng lên, đến nay thì quy mô “hoành tráng” hơn rất nhiều, có diện tích hàng trăm mét vuông.

 

Nhập vào đoàn người đến tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi tiến vào sâu bên trong Trung tâm này. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một khoảng sân rộng, có rất đông người ngồi xung quanh những chiếc chiếu. Trong số đó, có một phụ nữ mặc áo đỏ người không ngừng rung lên từng cơn, đầu lắc lư, miệng biến dạng và nói liên hồi như một đứa trẻ. Một thanh niên ngồi cạnh, vừa đỡ vừa tiếp chuyện với “ghế” (tức là người nhà được “vong nhập hồn” - P.V).

 

Thấy người mới đến, một người đàn bà khoảng ngoài 60 tuổi, dáng vẻ gầy gò (theo những người xung quanh nói đó là mẹ của ông Bắc) dẫn chúng tôi vào và hướng dẫn cách thắp hương, đặt lễ (bao gồm bánh, hoa, quả, các xấp tiền vàng) ở những nơi khác nhau. Một điểm bên ngoài là các liệt sĩ “trợ lý” của “thủ trưởng”. Một điểm bên trái là thổ công, thổ địa của gia đình “thủ trưởng”, một điểm chính giữa ghi thờ anh linh Hồ Chủ tịch, vong linh “thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn... Ngoài hoa quả, bánh kẹo thì ở đây còn có nhiều mâm xôi gà của các gia đình đến “tạ lễ” sau khi cất bốc và đưa được “hài cốt” liệt sĩ về đến quê hương nay đã tròn 49 ngày.

 

Sau khi thắp hương và đặt tiền vào các ban, theo sự hướng dẫn của người đàn bà nọ, chúng tôi được vào ngồi trên một chiếc chiếu trải dưới đất. Và, lại là mẹ của ông Bắc ngồi giữa chiếu, khấn tên liệt sĩ (được người nhà cho biết), sau đó nhìn khắp một lượt rồi kêu lên: Đồng chí nhanh nhẹn lên, chọn “ghế” để về đi, anh em, con cháu đang mong chờ đồng chí lắm…

 

Bỗng, một phụ nữ trong đoàn (mà chúng tôi nhập vào) òa khóc, nước mắt chảy dài, người run lên bần bật. Mẹ của ông Bắc thấy vậy liền nói: Liệt sĩ đã về, gia đình hãy trò chuyện đi, nhìn vào “ghế” và hỏi thật nhiều vào… Nhưng đúng lúc này, người phụ nữ đã trở lại bình thường. Thấy vậy, mẹ của ông Bắc liền nói: Liệt sĩ bị lạnh vì không có áo nên run quá đã ra khỏi “ghế’ rồi… Theo hướng dẫn của bà, gia đình đi tìm mộ liệt sĩ phải mua một bộ quần áo, mũ, giầy bộ đội bằng hàng mã và đốt để liệt sĩ mặc rồi mới an tâm trở về gặp đồng đội. Sau đó, bà chỉ ra nơi bán nước, sữa, bánh kẹo và tiền vàng mã, quần áo cho người âm ngay trong Trung tâm, nói gia đình sang đó mua…

 

Trong sảnh lớn, hàng trăm người được bố trí ngồi vào chiếu (mỗi gia đình ngồi một chiếu). Ai cũng tập trung cao độ vào việc của mình, mong sớm được “vong” chỉ mộ liệt sĩ. Đáng chú ý là những người được “vong nhập”, mình lắc lư, lúc nói, khi cười, lúc đòi ăn… Có người thì ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn gấp nhỏ, thỉnh thoảng lại kẻ, vẽ sơ đồ mộ liệt sĩ trên một tờ giấy khổ A3. Trợ giúp cho họ là những phụ nữ, thanh niên mặc quân phục (được cho là “vong” của những liệt sĩ đã tìm thấy mộ, trong thời gian 49 ngày được “thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn “triệu tập” về Trung tâm để tìm giúp mộ các liệt sĩ khác - P.V).

 

Có điểm đáng chú ý, trong suốt buổi sáng hôm chúng tôi ở đó, “Thủ trưởng” Tuấn gần như chỉ ngồi riêng trong một căn phòng kín (nghe nói ông ngồi trong đó để chỉnh sửa lại “bản đồ” và “ký lệnh” cho các gia đình đã hoàn thành sơ đồ lên đường đi tìm mộ liệt sĩ nên ít khi ra mặt). Có lúc “thủ trưởng” cũng xuất hiện trong bộ quân phục, nhìn người nhỏ nhắn, đôi mắt đen và dáng đi chậm rãi, nhưng khi chúng tôi định đến hỏi chuyện thì “Thủ trưởng” lại mất hút trong căn phòng kín. Trong khi đó, những “vong” được “nhập” cùng với người thân trong gia đình vẫn tiếp tục nói chuyện, cười đùa, hát hò rất tự nhiên, thậm chí có lúc “vong” khóc lóc và người run lên, mắt trợn ngược, khiến khung cảnh ở đây vừa ồn ã, vừa huyền bí trong nghi ngút khói hương…

 

Không tiếc thời gian, công sức, tiền của

 

Lân la bắt quen và chuyện trò với một số người đi tìm mộ liệt sĩ có mặt ở Trung tâm hôm đó, chúng tôi được biết đa phần họ là người ở Thái Nguyên. Một người đàn ông (nhà ở T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi sau khi ngồi ở nhà “thầy” 15 ngày, sơ đồ đã được vẽ hoàn chỉnh, lên đường tìm mộ liệt sĩ trong 3 ngày là thấy và đã đưa về tổ chức an tang. Hôm nay là tròn 49 ngày, gia đình mang quả lễ đến  “tạ” “thủ trưởng”. Chi phí (tính từ lúc đến nhà “thủ trưởng” và sau khi tổ chức án táng hài cốt liệt sĩ) là gần 80 triệu đồng…

 

 Một phụ nữ đứng bên cạnh nói chen vào: Nhà tôi chỉ mất 70 triệu đồng thôi. Gia đình tôi đến đây thì yên tâm, lái xe nhà “thầy”, xe nhà “thầy” lúc nào cũng có khoảng 5-7 chiếc đưa đi, đón về tận tình, chu đáo lắm. Thời gian tìm kiếm thì còn phải tùy xem liệt sĩ nhà mình sức khỏe và khả năng như thế nào. Nhà tôi may mắn chỉ hơn 20 ngày là xong việc, nhưng với nhiều gia đình khác thì qua 3 tháng rồi mà vẫn chưa được (?!)...

 

Khi kim đồng hồ chỉ hơn 11 giờ trưa, chúng tôi thấy ở các chiếu, nhiều gia đình lục tục kéo nhau đi ăn. Thấy chúng tôi ngơ ngác, họ nói ở ngay bên cạnh Trung tâm có quán ăn bình dân (là người nhà của “thủ trưởng” Tuấn), sang bên đó mà ăn. Số còn lại, nhiều nhà ngồi nghỉ ngay tại chiếu, giở bánh mì, nước lọc ra dùng tạm, dành sức cho buổi chiều tiếp tục đợi “vong nhập” để hỏi thêm thông tin, vẽ hoàn thiện sơ đồ mộ liệt sĩ. Trong khi đó, ở một số chiếu khác vẫn tiếp tục diễn ra cảnh “hồn nhập”...

 

Rời Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của “thủ trưởng” Phạm Minh Tuấn, hình ảnh người phụ nữ mặc áo đỏ ban sáng thân mình không ngừng rung lên, mặt mũi bơ phờ, đôi mắt đỏ ngầu, vô hồn… khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh, với bao câu hỏi đặt ra trong tâm trí: Liệu phương pháp ngoại cảm có thực sự giúp các gia đình tìm được đúng mộ và hài cốt liệt sĩ? Tỷ lệ tìm đúng là bao nhiêu phần trăm? Tại sao nhiều gia đình sau khi tìm thấy lại không đem mẫu sinh phẩm đi giám định ADN để khẳng định sự chính xác? Từ đâu họ lại có “niềm tin” và tạo nên một “hiệu ứng lớn” đến như vậy vào nhà ngoại cảm trong việc tìm mộ liệt sĩ?... Trong khi đó, khả năng đặc biệt (ngoại cảm) của con người vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu. Thậm chí, như chúng tôi đã nêu ở phần trước, nhiều gia đình lại rơi vào tình cảnh hoài nghi, lo lắng sau khi dựa vào các ngoại cảm để tìm và đưa được “hài cốt” của các liệt sĩ về an táng tại quê hương. Bên cạnh đó, trong quá trình này cũng còn không ít chuyện đáng bàn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau…

(Còn nữa)



mộ đá những mẫu lăng mộ đẹp hiện nay