Thực hư việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm

14:48, 12/11/2012

Hiện nay, Nhà nước vẫn đang tiếp tục tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở các nước bạn để cất bốc, đưa về các nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc làm đó chưa đáp ứng được nguyện vọng của tất cả các gia đình có liệt sĩ chưa tìm được mộ, hài cốt. Lợi dụng sự nóng lòng của nhiều thân nhân liệt sĩ, không ít nơi “bùng nổ” các “nhà ngoại cảm siêu phàm” có thể “tìm đâu thấy đó”, khiến không ít gia đình dở khóc, dở cười...

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đặt vấn đề đúng - sai của các nhà ngoại cảm, mà chỉ phản ánh trung thực những gì mắt thấy, tai nghe về tình trạng tìm mộ liệt sĩ từ phương pháp tâm linh trên địa bàn các huyện Phú Bình, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên trong thời gian qua.

 

Kỳ I: Đường về gian nan

 

Toàn tỉnh có khoảng 12.000 liệt sĩ. Tính đến nay, số hài cốt liệt sĩ được quy tập trên địa bàn là gần 1.000, trong đó chỉ có trên 300 trường hợp có đầy đủ hồ sơ chứng thực, còn lại là do người thân liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp tâm linh thông qua những nhà ngoại cảm…

 

Tìm thấy hài cốt, vẫn canh cánh buồn

 

Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng ở thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên), ông Nguyễn Quang Toản, cháu họ của liệt sĩ N.Q.B (quê ở xã Nam Tiến cùng huyện) buồn bã nói: Tôi nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 95, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (Quân đoàn bộ binh Tây Nguyên) từ năm 1969 đến tháng 3/1975. Năm 1971, chú B. được cử vào hoạt động ở cùng Quân đoàn với tôi, nhiệm vụ là Tiểu đội trưởng hỏa lực. Thời gian từ đó cho đến lúc chú ấy hy sinh (năm 1972), hai chú cháu vẫn thường xuyên thư từ.

 

Ông Toản cho chúng tôi xem cuốn nhật ký chiến tranh ông đã lưu giữ mấy chục năm nay, trong đó ghi: Ngày 2/11/1972, khi đang ăn cơm thì được đồng chí Hạo, Trợ lý Ban Tổ chức của Trung đoàn - vừa đặc phái xuống Tiểu đoàn của đồng chí B.cho biết, chú B. đã hy sinh ngày 29/10-1972 trong một trận chiến đấu ác liệt với quân địch. Địa điểm hy sinh là đoạn cắt đường 14, gần điểm K378 (từ Pleiku của tỉnh Gia Lai đi Kon Tum)… Vậy nhưng vừa qua, con của liệt sĩ B. đã không nghe lời can ngăn của ông Toản, mà lại tin tưởng vào nhà ngoại cảm ở Bắc Giang nên đã đi tìm và cất bốc hài cốt của cha mình tại Quảng Trị (?!), cách địa điểm hy sinh của liệt sĩ B. hàng trăm cây số. Điều này đã khiến họ hàng đến dự Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ B. hoài nghi, không biết có phải đó là hài cốt của liệt sĩ.?

 

Tương tự câu chuyện của ông Toản, Đại tá Trương Vũ Mạnh, ở xóm Đình, xã Nam Tiến thì lại quả quyết với chúng tôi: Ông được một chiến sĩ quê ở Vĩnh Phúc thông báo là trong một trận chiến đấu tại cầu Cần Lê (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), người cháu của ông là P.V.T sau khi bị thương gẫy chân đã được đưa về chữa trị nhưng không qua khỏi và hy sinh tại trạm phẫu tiền phương, cách cầu Cần Lê khoảng 4-5 cây số. Nhưng theo nhà ngoại cảm thì địa điểm cất bốc hài cốt liệt sĩ P.V.T lại ở cách đó tới gần 40km. Điều khiến ông băn khoăn nữa là trong Lễ an táng, nhiều người muốn nhìn thấy di vật của liệt sĩ như lời “thầy” phán (là còn sọ, còn áo thêu ngực, dây giầy), nhưng do hồn đã “nhập” vào người nhà nói phải chôn cất ngay và không được mở ra xem (?!) nên không ai nhìn được những di vật đó. Cũng theo ông Mạnh, hồi đó, bộ đội ta chỉ có áo Tô Châu (chưa có áo bằng ni lông) nên áo thêu tên (nếu có mặc) thì cũng đã bị phân hủy hết. Một điều nữa là bộ đội thời kỳ đó không đi giầy, lúc đánh trận thường chỉ chân đất hoặc mang dép cao su. Như vậy, những điều “thầy” nói là không có căn cứ…

 

Còn bà La Thị Bích Hường, cựu chiến binh ở xã Tân Khánh (Phú Bình) thì cho chúng tôi hay: Trước đây, bà là chiến sĩ trinh sát của Đại đội 52, Sư đoàn 3 Sao Vàng, chiến đấu tại Quảng Ngãi. Trong một trận địch thả bom B52 ác liệt ở Làng Rào vào năm 1969, một người đồng đội của bà quê ở xóm K.D, xã Tân Kim (Phú Bình) là P.T.H đã hy sinh, xác bị nát, văng nhiều nơi trong hầm trú ẩn. Hôm sau, bà cùng những người sống sót đã trực tiếp nhặt từng mảnh cơ thể và tiến hành chôn cất 5 đồng đội nam (trong đó có liệt sĩ P.T.H). Thế nhưng, thật đáng buồn là gia đình của liệt sĩ P.T.H đã tin tưởng nhà ngoại cảm nên mới đây đã đi cất bốc hài cốt liệt sĩ ở tận huyện Bảo Lạc (tỉnh Lâm Đồng), mang về chôn cất tại địa phương…

 

Đối với tất cả những trường hợp mà chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận được thì hài cốt các liệt sĩ mà người thân mang về đều là nắm đất, không có di vật hay xương cốt của các liệt sĩ. Cá biệt, có những liệt sĩ hy sinh ở một nơi nhưng “thầy” lại chỉ mộ chôn cất ở một nơi rất xa (ví dụ như liệt sĩ N.V.T, quê ở huyện Phổ Yên, hy sinh tại nước bạn Lào, nhưng người nhà lại được “thầy” chỉ cho phần mộ của liệt sĩ ở… tỉnh Điện Biên).

 

Nước mắt người thân

 

Hơn 2 năm qua, rất nhiều gia đình ở tỉnh ta đã đi tìm, đưa về và tổ chức an táng hài cốt các liệt sĩ tại địa phương. Và, xung quanh việc đi tìm mộ các liệt sĩ vẫn còn những chuyện dở khóc, dở cười. Đó là sự không đồng nhất về quan điểm, ý kiến giữa những người thân trong dòng họ, từ đó dẫn tới mâu thuẫn, thậm chí là xô xát. Chúng tôi xin nêu một số trường hợp xảy ra cách đây không lâu.

 

Ông Dương Đại Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: Khoảng tháng 6/2012, UBND xã đã phải đứng ra cùng Chi bộ, các đoàn thể ở xóm B2 hòa giải một vụ việc xô xát. Nguyên nhân là do có sự không đồng nhất về quan điểm trong việc đi tìm mộ liệt sĩ của người thân trong gia đình. Đến nay, vụ việc này đã được giải quyết, hài cốt liệt sĩ cũng đã được đưa vào nghĩa trang. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn chưa hết bàn tán (và cả hoài nghi) xung quanh việc gia đình này nhờ đến nhà ngoại cảm để đi tìm mộ liệt sĩ.

 

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên trong quá trình tìm hiểu thực tế ở T.P Thái Nguyên, các huyện Phú Bình, Phổ Yên, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ nhờ nhà ngoại cảm, do giữa những người thân không cùng quan điểm nên đã dẫn tới mâu thuẫn, làm tình cảm anh em trong gia đình, dòng họ bị rạn nứt. Ví dụ như trường hợp tìm mộ liệt sĩ T.V.T, N.Đ.Đ ở xã Tân Đức (Phú Bình), liệt sĩ N.Q.D ở xã Hồng Tiến (Phổ Yên)... Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của một số người thân liệt sĩ: Mặc dù liệt sĩ đã “mồ yên mả đẹp”, nhưng người nhà vẫn không hoàn toàn tin tưởng đó là hài cốt liệt sĩ của gia đình mình.

 

Cùng với đó, có những người sau khi đi tìm mộ liệt sĩ bỗng dưng lại có khả năng “siêu nhiên” như những nhà ngoại cảm và đã giúp đỡ các gia đình khác đi tìm mộ liệt sĩ, như chị T., chị L. ở xóm Lềnh, xóm Trại Vàng (xã Tân Đức, huyện Phú Bình). Đặc biệt, có một nhân vật ở tỉnh ngoài, sau khi đi tìm mộ liệt sĩ của gia đình về lại có khả năng tìm kiếm hàng trăm hài cốt liệt sĩ quê ở Thái Nguyên. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập ở kỳ sau...


(Còn nữa)

 

Ông Dương Đình Sơn, Trưởng xóm Trường Thịnh, xã Nam Tiến (Phổ Yên): Tôi thấy việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm là chưa đủ chứng cứ khoa học đáng tin cậy. Đa số các gia đình chỉ mang về “nắm đất” chứ không thấy di vật của liệt sĩ kèm theo…
Ông Đào Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức (Phú Bình): Quan điểm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương là luôn quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho những gia đình liệt sĩ, đó cũng là thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ đi sau đối với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy thật sự lúng túng trong cách giải quyết giữa tình (với nhân dân) và lý (các văn bản pháp quy của Nhà nước) về vấn đề đi tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, sau đó cất bốc đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà...