Thực hư việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm

08:54, 14/11/2012

Sự bùng nổ việc tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm trong thời gian gần đây và những hệ lụy xung quanh vấn đề này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Kỳ III: Chính quyền địa phương… gặp khó

 

Sự bùng nổ việc tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm trong thời gian gần đây và những hệ lụy xung quanh vấn đề này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại. Điều đáng bàn ở đây là các gia đình liệt sĩ đã đưa chính quyền địa phương vào thế “bí”, gặp nhiều lúng túng trong cách giải quyết...

 

Khó vẹn toàn cả lý lẫn tình

 

Theo quy định, nghĩa trang liệt sĩ chỉ được tiếp nhận những hài cốt liệt sĩ có đầy đủ hồ sơ, được các cấp có thẩm quyền xác nhận. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải ai cũng biết được điều này, thậm chí nhiều người còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

 

Xin nêu một ví dụ: Tháng 4/2012, tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim (T.P Thái Nguyên), có trường hợp một số thân nhân của liệt sĩ đã đến yêu cầu Ban quản trang phải tiếp nhận hài cốt liệt sĩ mới được tìm thấy, cất bốc, di chuyển về, nhưng bị từ chối. Anh Đặng Thanh Bình, nhân viên quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim nhớ lại: Chúng tôi thấy có một số người vào Nghĩa trang thăm dò, tìm chỗ an táng nên đã đến hỏi thăm. Khi biết hài cốt liệt sĩ đó là do gia đình tự đi tìm kiếm, cất bốc và di chuyển về, không có đủ hồ sơ, chúng tôi đã giải thích và thuyết phục họ đưa về an táng tại nghĩa trang nhân dân địa phương, nhưng họ không nghe. Chúng tôi đành phải đóng cửa Nghĩa trang và gọi điện nhờ sự can thiệp của Sở và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) T.P Thái Nguyên.

 

Vấn đề cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm trên địa bàn T.P Thái Nguyên trong 2 năm trở lại đây diễn ra phổ biến với số lượng khá lớn. Theo bà Hoàng Thị An, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành phố, về những văn bản, quy định của Nhà nước trong vấn đề này, Phòng đã triển khai và tập huấn cho cán bộ chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, phần lớn thân nhân của các liệt sĩ tự đi cất bốc, di chuyển và tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang ở địa phương, không thông qua chính quyền nên rất khó nắm bắt và quản lý…

 

Thực tế trên cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Huyện Phú Bình là một điển hình: Riêng tại xã Tân Đức, tính từ cuối năm 2011 đến nay đã có đến 23 trường hợp hài hài cốt liệt sĩ (trên tổng số 74 trường hợp của huyện) được tìm thấy, đưa về quê hương bằng phương pháp tâm linh thông qua nhà ngoại cảm; còn ở xã Điềm Thụy con số này là 18. Điều đáng nói là tất cả những trường hợp này đều được chính quyền xã đứng ra tổ chức đón nhận và đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện chính quyền các xã lý giải: Cái khó của chúng tôi là cán bộ chính quyền cấp cơ sở và các gia đình liệt sĩ cơ bản có quan hệ họ hàng, làng xóm. Quan điểm của xã là liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, nay gia đình họ cất công, tốn của đi tìm và di chuyển hài cốt về quê hương, thì chính quyền địa phương nên có trách nhiệm tri ân với liệt sĩ. Và, khi đã đứng ra tổ chức cho một người, thì những trường hợp sau không làm cũng khó. Hơn nữa, đây lại là vấn đề liên quan đến tâm linh. Cái tình và cái lý chẳng thể vẹn toàn…

 

 

Đối với xã Nam Tiến (Phổ Yên), chính quyền và các tổ chức đoàn thể không đứng ra tổ chức lễ đón nhận, truy điệu, an táng đối với những hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, đưa về bằng phương pháp ngoại cảm. Nhưng lãnh đạo địa phương lại có vòng hoa, dâng hương khi gia đình cử hành tang lễ. Bên cạnh đó, chi hội cựu chiến binh, trưởng các xóm lại không thể từ chối sự “nhờ cậy” của gia đình liệt sĩ (về việc tổ chức tang lễ, cử người làm tiêu binh…).

 

Tình hình nêu trên diễn ra khá phổ biến và không thống nhất ở các địa phương, khiến cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp không khỏi “đau đầu”…

 

Đâu là giải pháp?

Chúng tôi xin nêu ra cách làm của xã Hồng Tiến (Phổ Yên). Trước tháng 6/2012, chính quyền xã cũng từng đứng ra tổ chức lễ đón nhận, an táng hài cốt một số liệt sĩ được thân nhân tìm thấy, đưa về bằng phương pháp ngoại cảm. Nhưng đến nay, việc này đã được chấn chỉnh lại. Đồng chí Dương Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Sau khi nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi thấy như thế là không đúng với quy định. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tổ chức họp, thống nhất ra Nghị quyết quán triệt vấn đề này đến chính quyền và các hội, đoàn thể. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chấp hành. Từ đây, bà con đã hiểu và không còn làm khó chính quyền địa phương nữa (cụ thể là không đề nghị chính quyền địa phương đứng ra tổ chức tang lễ và đưa hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ)…

 

Còn trên địa bàn T.P Thái Nguyên, đối với tất cả những trường hợp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mà không đủ thông tin, hồ sơ theo quy định thì đều được Phòng LĐ-TB&XH) quán triệt chính quyền địa phương không đứng ra tổ chức lễ đón nhận và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.

 

Được biết, trước tình trạng “bùng nổ” các nhà ngoại cảm có khả năng tìm hài cốt liệt sĩ, ngày 21/-7/2011, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh đã ký ban hành thông báo gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu rõ: Đối với hài cốt nằm ngoài nghĩa trang liệt sĩ do thân nhân tự tìm kiếm thông qua phương pháp ngoại cảm và đề nghị được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ, các địa phương chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện nơi tiếp nhận hài cốt báo cáo với Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, trình Bộ LĐ-TB&XH (Cục Người có công) để được hướng dẫn việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ qua công nghệ gen (ADN). Căn cứ vào kết quả giám định, Sở hướng dẫn việc an táng và gắn bia ghi tên liệt sĩ. Không tiếp nhận, đưa vào nghĩa trang liệt sĩ những trường hợp không có căn cứ thực tế (như các di vật để lại, xác nhận của đồng đội…) hoặc căn cứ khoa học chứng minh là hài cốt liệt sĩ…

 

Tiếp đó, ngày 21/6/2012, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản hướng dẫn việc lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN nhằm xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Văn bản này quy định rõ phạm vi áp dụng, phương pháp lấy mẫu sinh phẩm, gửi mẫu và nhận kết quả. Đặc biệt, kinh phí thực hiện việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ do ngân sách Nhà nước đảm bảo (đối với mỗi liệt sĩ chỉ được hỗ trợ kinh phí 1 lần). Rõ ràng, đây là giải pháp tối ưu nhất để giúp các thân nhân có thể tìm được đúng hài cốt liệt sĩ của gia đình mình. Đến nay, tại tỉnh ta, Sở LĐ-TB&XH đã phổ biến các văn bản quy định của ngành trong vấn đề này đến các đơn vị trực thuộc và phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành, thị cũng đã quán triệt đến các xã, phường, thị trấn…

 

Thiết nghĩ, việc tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương là nguyện vọng chính đáng của thân nhân các liệt sĩ. Tuy nhiên, việc làm này phải dựa trên những cơ sở, thông tin có căn cứ và đúng theo quy định của ngành chức năng. Như vậy, các gia đình liệt sĩ không chỉ được giải tỏa về mặt tâm lý mà còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc này theo quy định.

Ông Vũ Văn Mão, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH): Để tìm kiếm chính xác hài cốt liệt sĩ thì cần có căn cứ khoa học. Hiện nay, ngoài việc giám định ADN để xác định danh tính, ngành Quân đội đang tiến hành giải mã thông tin đối với các liệt sĩ (như xác định nơi liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh). Bên cạnh đó, thông tin từ chính đồng đội của các liệt sĩ cũng là những cơ sở đáng tin cậy. Còn việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm chỉ là một kênh để tham khảo…
  Ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phổ Yên: Các cấp, ngành chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này để các địa phương thống nhất trong cách làm, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu khiến người dân thắc mắc...