101 nữ chiến sĩ thông tin Thái Nguyên ngày ấy

09:46, 14/12/2012

Lệnh gọi nhập ngũ chỉ có 100 người. Vậy mà dọc đường hành quân kiểm đếm đến 5 lần vẫn thừa 1, nhưng không ai chịu nhận mình là số thừa đó. Ngày thứ 3 phát quân trang mới phát hiện “thừa” ra Đặng Bích Loan, cô gái quê ở xã Quy Kỳ (Định Hóa)... Câu chuyện xảy ra tưởng như mới ngày nào, thế mà đã 40 năm trôi qua. Nay, họ đã lên bà nội, bà ngoại rồi, nhưng  tình đồng đội thiêng liêng như còn vẹn nguyên và sẽ được kể mãi với con cháu.

Tháng 6/1972, trong lúc miền Nam nhất là ở mặt trận Quảng Trị, quân ta đang thắng lớn, để cứu vãn tình thế đó, đế quốc Mỹ trở lại ném bom miền Bắc lần thứ 2. Không chịu thua nam nhi, hàng trăm cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi của Thái Nguyên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và rồi 100 cô có giấy gọi vào lính thông tin, đúng vào ngày giặc Mỹ đang đánh phá ác liệt địa bàn Thái Nguyên. Tập trung quân ở Tỉnh đội rồi lên xe hành quân về đơn vị huấn luyện ngay trong đêm đó. Khi kiểm quân đến lần thứ 5 mà vẫn là 101 người. Ai cũng ngơ ngác không hiểu tại sao lại như vậy và ai là người thứ 101. Thế rồi cái gì đến sẽ đến, ngày phát quân trang, 100 cô có danh sách đều được nhận còn trơ lại Đặng Bích Loan, quê xã Quy Kỳ huyện Định Hóa. Lúc ấy Loan mới bật khóc và nói đã trốn nhà đi theo để được vào bộ đội. Cuối cùng lí do chính đáng của cô gái đáng yêu đã được đơn vị chấp thuận.

 

Thế rồi, sau 3 tháng huấn luyện ở Hải Hưng, 101 cô gái Thái Nguyên đã được điều về làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 76 và 77 Trung đoàn thông tin 205, Bộ Tư lệnh Thông tin. Thời gian này giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhiều nơi, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Do vậy dù nhớ nhà đến mấy đi nữa nhưng không một ai được đi tranh thủ mà rất khẩn trương để nhận nhiệm vụ mới. 101 chiến sĩ gái Thái Nguyên ngày ấy đều được bố trí tại 4 Đài trạm của Trung đoàn Thông tin 205 là: Đài trạm tại Nội thành Hà Nội phục vụ Bộ tổng Tham mưu; Tổng đài A40 tại Bộ Tư lệnh Thông tin Phố Kim Mã; Đài trạm tại Sơn Tây (Ba Vì) và Việt Trì (Phú Thọ). Theo đó, tất cả được sắp xếp để thao học chuyên môn gồm: hậu cần, quân y, báo vụ, tổng đài, tải ba, buồng dây, trạm thu phát 380, Đài kiểm soát không lưu…

Những ngày trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp, năm 1972 là những năm tháng không bao giờ quên như đang hiện hữu trong chúng tôi. Điều hạnh phúc nhất của 101 chiến sĩ gái Thái Nguyên là được trực tiếp nhận và truyền tín hiệu phục vụ Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các chiến trường. Có đêm máy bay Mỹ ném bom hủy diệt khu vực Khâm Thiên, chỉ cách Bộ Tư lệnh Thông tin (A40) chưa đầy 200m đường chim bay. Bom giật, bom rung inh tai nhức óc, ở dưới hầm trực mà chúng tôi như nghẹt thở vì tiếng nổ của bom đạn. Các kíp trực đã gan dạ, bình tĩnh giữ vững đường dây trong mọi tình huống. Nhiều đồng chí đã nhận làm tăng ca để được góp phần vào chiến thắng. Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, nhiều đồng chí được bầu là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, rất nhiều chị em được kết nạp Đảng sau một tuổi quân.

 

Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975, tất cả các Đài trạm đã thường trực liên tục 24/24 giờ để nhận và truyền mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu đến khắp các mặt trận. Sau khi nhiều địa phương ở miền Nam được giải phóng, một số đồng chí đã được điều động đi phục vụ chiến trường, nhận và tiếp quản các Trạm thông tin tự động do ta thu được của địch để kịp thời đưa vào phục vụ chiến đấu như tiếp quản Trạm Thông tin tự động 4000 của địch tại sân bay Đà Nẵng, Bộ tổng tham mưu ngụy Sài gòn…

 

Có thể nói, cuộc đời bộ đội của 101 chiến sĩ gái Thông tin ngày ấy là một giai đoạn đẹp nhất, nhiều kỷ niệm sâu sắc. Là phận gái nhưng tất cả đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội Thông tin “Kịp thời - Chính xác - Bí mật - An toàn”, cống hiến một phần tuổi thanh xuân, hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.

 

Hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hầu hết đều phục viên, xuất ngũ và chuyển ngành. Phải nói thời kỳ đó, nữ quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về nhất lại là đảng viên nên được cả xã hội quan tâm. Số ít trong 101 cô gái phục viên xuất ngũ còn đa số là chuyển ngành ra các cơ quan Nhà nước, nhất là chuyển ngành vào thương nghiệp. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tất cả chị em đều cố gắng vươn lên. Nhiều chị chọn con đường học tập để tiến thân và lập nghiệp. Một số đồng chí trở về ngày ấy đã trở thành các doanh nhân thành đạt nổi danh trong cả nước. Nhiều đồng chí phấn đấu được đề bạt đến chức trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cô gái Đặng Bích Loan ngày ấy nay đã là mẹ, là bà của 5 cháu nội, ngoại. Cô gái Dương Thị Nhã, Trạm thu phát 380 nay đã là Giám đốc một công ty du lịch nổi tiếng ở miền Nam. Hầu hết trong 101 cô gái Thái Nguyên nhập ngũ năm 1972 đều thành đạt, hạnh phúc trong cuộc sống.

 

Ngày xưa, các chị đã gắn bó, sống chết có nhau, thì ngày nay càng gắn bó với nhau hơn, tiếp tục sống trong tình đồng chí, đồng đội. Nhiều năm nay, Ban Liên lạc truyền thống 101 nữ chiến sĩ thông tin hoạt động đều. Các chị luôn tổ chức thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống.

 

Trong những ngày này cả nước đang chuẩn bị Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, những ký ức nóng hổi ấy lại ùa về trong chúng tôi. Tiếng “ma níp tạch tè”, tiếng “a lô” dưới hầm chỉ huy như đang hiện hữu. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.