Năm 2012 là một năm có khí hậu cực kỳ xấu. Tuy nhiên, các tai ương phù hợp với dự đoán của đa số các nhà khoa học. Và hậu quả của biến đổi khí hậu là một thực tế không thể chối cãi.
Theo VOA, các tai ương và những diễn biến thời tiết xấu khác trong năm 2012 phù hợp với những gì đa số các nhà khoa học dự đoán sẽ là “tình trạng bình thường mới” trong khi khí hậu thế giới tiếp tục biến đổi, và trong khi các nước chật vật ứng phó với tình trạng Trái đất nóng lên.
Hồi đầu tháng 12, thiên tai giáng xuống Philippines. Siêu bão Bopha gây ra những vụ lũ lụt và sạt lở đất, khiến hàng triệu người phải sơ tán. Lụt lội tràn lan ở Australia làm nhiều thị trấn bị cô lập. Một trận siêu bão gây tan hoang vùng tây Thái Bình Dương và cơn khô hạn kỷ lục thiêu cháy hơn phân nửa lục địa Mỹ; bão Sandy đã tàn phá Mỹ, gây thiệt hại lên tới trên 40 tỉ USD,...
Thống đốc New York (Mỹ) Andrew Cuomo cho rằng tai ương do thời tiết là dấu hiệu của thời đại: “Biến đổi khí hậu là một thực tế không thể chối cãi được. Mức độ thường xuyên của các tình trạng thời tiết xấu tăng lên và chúng ta sẽ phải học hỏi từ sự kiện này”.
Các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới cho thấy hành tinh đang trên đà tăng nhiệt từ 3 đến 5 độ C trong thế kỷ này nếu lượng khí thải từ công nghiệp, xe cộ và cao ốc không bị cắt giảm đáng kể.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Rachel Kyte mô tả một hình ảnh u ám về một hành tinh nóng thêm 4 độ trong thế kỷ sắp tới. “4 độ C có nghĩa là 35% đất hoa màu ở Châu Phi phía nam sa mạc Sahara sẽ không sử dụng được. Thêm vào đó, các thành phố ven biển sẽ bị ngập lụt với mực nước biển dâng cao, và còn bị tác động bởi nhiều diễn biến thời tiết cực xấu”.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cùng với tập hợp nhiều tiếng nói kêu gọi thực hiện các biện pháp hạn chế khí thải carbonic, và kéo chậm đà biến đổi khí hậu.
Trong một hội thảo khoa học tại Washington, nhà khoa học kỳ cựu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO Diaemid Campbell-Lendrum cảnh báo rằng các điều kiện vốn đã gây ra hàng triệu cái chết – do suy dinh dưỡng, tiêu chảy và sốt rét - sẽ chỉ trở nên tệ hại hơn trong một thế giới nóng hơn.
“Biến đổi khí hậu sẽ có xu hướng làm tăng thêm các mối đe dọa về sức khỏe công cộng và nó còn tương tác với các yếu tố khác nữa, tuỳ thuộc nhiều vào môi trường sống, mức độ nghèo khó. Nói chung, biến đổi khí hậu có khuynh huớng làm tăng thêm các nguy cơ hiện hữu và gia tăng tính bất ổn trong hệ thống và đe doạ đến sự an toàn của sức khỏe công cộng", ông Campbell-Lendrum nói.
Năm 2012 chứng kiến rõ ràng hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu: Các tảng băng tan nhanh hơn, các vỉa đá san hô chết và các chủng loài có nguy cơ tuyệt chủng, trên đất liền và trong biển cả.
Chuyên gia phân tích chính sách Jennifer Haverkamp, thuộc Quỹ Bảo vệ Môi trường, nằm trong số hàng ngàn quan sát viên phi chính phủ tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Doha (Qatar) cho rằng "Có nhiều việc diễn ra bên ngoài cũng như bên trong các cuộc thương lượng và tất cả chúng ta phải cùng nhau tiến tới”.