40 năm trước và nỗi đau còn mãi

14:27, 19/12/2012

Trong cuộc tập kích đường không 12 ngày đêm, giặc Mỹ đã huy động 69 lần máy bay ném bom chiến lược B52, 170 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném 2826 quả bom các loại xuống Thái Nguyên, làm 309 người dân vô tội bị chết…” (trích: Thái Nguyên, lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 1954-1975)

Tang tóc phủ lên xóm đạo bình yên

 

Trước mắt tôi là cánh đồng xóm Dân Tiến (phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên) xanh mướt rau, lúa và những người dân quê đang cần mẫn nhổ cỏ, chăm sóc cây trái. Cạnh đó là nhà thờ của xóm được xây dựng khang trang. Nhìn khung cảnh êm đềm ấy, ít ai biết cách đây 40 năm, xóm đạo này đã phải hứng chịu hơn 100 quả bom do máy bay B52 của Mỹ thả xuống. 23 nấm mộ nằm trong nghĩa trang của xóm như lời nhắc nhủ về lòng căm thù giặc Mỹ.

 

Ông Triệu Thế Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Túc Duyên là người tham gia soạn thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ của phường nên tìm hiểu khá kỹ các sự kiện diễn ra ở nơi đây. Ông cho biết:

 

- Dân Tiến ngày ấy có khoảng hơn 100 hộ là người công giáo toàn tòng. Bà con sống chủ yếu bằng cày cấy, giăng câu, thả chúm trên sông Cầu. Khu vực này được coi là an toàn của thành phố nên nhiều cơ quan, đơn vị như: Văn phòng UBND, Công ty Bánh kẹo, Phòng Lương thực, Phòng Thống kê sơ tán về Dân Tiến. Chưa kể bà con ở Thái Ninh, Trại Cau cũng sang đây trú ẩn. Khoảng 22 giờ đêm 26-12-1972, một tốp máy bay B52 của Mỹ rải bom từ xã Đồng Tiến (Huống Thượng), qua sông Cầu, vào địa bàn xóm Dân Tiến. Riêng cánh đồng lớn của xóm chúng trút xuống gần 100 quả bom.

 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thịnh, 83 tuổi, có vợ là Đào Thị Ngọ, 78 tuổi ở cánh đồng ngày ấy. Sự việc đau đớn 40 năm trước còn nguyên trong trí nhớ, ông Thịnh kể:

 

- Bố mẹ tôi (cách nhà tôi vài chục mét) có cái hầm kèo rộng, chắc chắn nên mọi người xung quanh thường chạy vào trú ẩn. Khoảng gần nửa đêm, chúng tôi nghe tiếng máy bay rít như xé bầu trời, rồi tiếng bom rơi. Dứt tiếng bom, tôi dùng hết sức mới bật được nắp hầm ra vì hầm nhà tôi đã bị phạt đứt phần trên, con trai út bị ngất, tôi bảo vợ day ngực cho con rồi nhao ra tìm người thân. Trời tối đen như mực, tôi ngã cắm đầu xuống hố bom, vừa ngoi lên chạy được vài bước lại ngã cắm đầu vào hố bom khác. Tôi vừa chạy vừa gọi: “thày u ơi”…, nhưng tan tành hết cả rồi. Hầm của bố mẹ tôi bị 3 quả bom, chả còn ai nguyên vẹn nữa… 11 người chết (trong đó có 2 thai nhi), 7 người là của gia đình tôi, 4 người còn lại là của Công ty Bánh kẹo và 1 ông hàng xóm…

 

Ông Vũ Văn Sáng, 77 tuổi, cựu dân quân du kích của xóm nhớ như in đêm tang thương đó: - Lúc đó, tôi là trưởng xóm đồng thời là dân quân du kích. Dứt tiếng bom, đội du kích chúng tôi lao đi bới hầm, cứu người. Thương lắm chị ạ, chúng tôi chỉ biết nhặt từng mảnh, từng bộ phận xếp một dọc ở bờ thửa kia, sau đó chia ra các quan tài để mang chôn. Hơn hai chục người thân xác hòa vào nhau, chẳng phân biệt được ai vào ai. Gần đây có một số gia đình muốn đưa hài cốt người thân về, nhưng tôi cũng nói thật như vậy và họ đành để người nhà họ nằm lại nơi này. Trận ấy còn có nhà ông Mạnh, mẹ con bà Rơm, bà Thảo, ông Khuyến… cũng mất.

 

 Những gia đình công nhân vô tội đã chết như thế

 

Trong cuốn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của tỉnh có ghi những dòng này: “…Từ 23 giờ 40 phút đêm 20/12 đến 1 giờ 15 phút sáng 21/12, địch huy động 5 tốp máy bay B52 vào ném bom tiếp tục hủy diệt khu Bắc T.P Thái Nguyên…. Đặc biệt, tại khu tập thể công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, máy bay B52 của giặc Mỹ đã trút xuống gần 200 quả bom, làm 31 người chết, 4 người bị thương, trên 40 nóc nhà bị  phá hủy…”.

 

Tôi đã tìm về nơi ấy - khu tập thể công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ (phường Quán Triều). Dãy nhà đất tuềnh toàng năm xưa nay đã thay bằng những căn nhà xây kiên cố. Cuộc sống nhộn nhịp hôm nay đã khỏa lấp lên bao kỷ niệm. Nhưng đối với bà Kim Thị Tho, 64 tuổi, nguyên là đội viên đội tự vệ của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ thì đến bây giờ bà vẫn còn như ngửi thấy mùi chết chóc, vẫn nhìn thấy gương mặt đau đớn của những con người vô tội đã phải chết oan uổng như thế nàọ.

 

- Năm đó tôi 24 tuổi, là đội viên tự vệ trực chiến của nhà máy, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Khi Mỹ mở chiến dịch đánh phá miền Bắc, chúng tôi được lệnh trực chiến cả ngày, đêm. Trận bom đêm đó, nhiều gia đình chết cả nhà. Hộ anh chị Nhiên - Mạo: chết 7 người, chỉ 1 người sống sót; nhà anh chị Thành - Khẩn và nhà chị Hiền chết không còn ai; nhà anh chị Tụ - Khuyến chết cả nhà và một ông bạn ở xa đến chơi; nhà anh Đăng chết 5 người, còn chị vợ bị thương nặng…. Chúng tôi lấy giấy bọc xác chết vác chạy về núi Sơn (cách đó hơn 1km) xếp ở đấy. Cứ chạy đi chạy lại như thế, máu người chết hòa với mồ hôi ướt đẫm người chúng tôi. Lúc đó, tôi không thấy sợ mà chỉ thấy thương quá, tội quá. Trời sáng rõ, chúng tôi xếp các thân thể ai về nhà ấy để mang đi an táng…

 

Không ai mong thành tượng đài,  nhưng…

 

Những câu chuyện xảy ra 40 năm rồi, người kể lại vẫn còn nghẹn ngào, đau xót. Vậy nhưng có một điều buồn là, sau sự việc đau thương ấy đến nay, các cấp chính quyền không nhắc nhở gì đến họ. Ông Nguyễn Văn Thịnh nói: Tôi chỉ mong Nhà nước cho đặt một tấm bia ở đây để con cháu sau này chúng biết. Còn ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Hỷ cho biết: Cách đây vài năm, ông đã viết một lá thư gửi UBND phường Túc Duyên đề nghị đặt một tấm bia tưởng niệm ở cánh đồng Dân Tiến, nhưng thư đi mà không thấy hồi âm.

 

Địa điểm khu gia đình Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ cũng vậy. Nhà cửa đã mọc lên trên các hố bom cũ. Nếu nhân chứng không còn nữa, sẽ không còn gì để lưu dấu vết một thời.

 

Không ai muốn hy sinh tính mạng của mình để trở thành tượng đài. Nhưng việc 309 người dân vô tội của Thái Nguyên bị chết trong 12 ngày đêm đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom 40 năm trước là vết thương đau mãi trong lòng những người thân của họ. Hà cớ gì chúng ta không đặt vào nơi đó một tấm bia tưởng niệm? Đó không chỉ là cách tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất mà còn để nhắc nhở thế hệ hậu sinh về lòng căm thù, để họ biết yêu quý hơn thời khắc hòa bình hôm nay.