Chống “lách luật” để quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ: Cần thực hiện nghiêm túc nghị định 21

14:10, 24/12/2012

Sữa mẹ có thể coi là một loại vắc xin mới có thể giúp phòng tránh tử vong cho hơn một triệu trẻ em, chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh  và có thể còn làm còn nhiều hơn thế. Tuy nhiên, các thông tin sai lệch về nuôi con bằng sữa mẹ cùng với sự quảng bá tràn lan các sản phẩm thay thế sữa mẹ tác động rất lớn đến quyết định nuôi dưỡng trẻ của các gia đình.

Sữa mẹ có thể coi là một loại vắc xin mới có thể giúp phòng tránh tử vong cho hơn một triệu trẻ em, chi phí thấp, an toàn, có thể uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh  và có thể còn làm còn nhiều hơn thế. Tuy nhiên, các thông tin sai lệch về nuôi con bằng sữa mẹ cùng với sự quảng bá tràn lan các sản phẩm thay thế sữa mẹ tác động rất lớn đến quyết định nuôi dưỡng trẻ của các gia đình.

 

Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức; yêu cầu quảng cáo và tiếp thị các loại sữa dùng cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi phải ghi rõ “Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”... tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn có nhiều cách để lách luật bằng nhiều "chiêu thức".

 

Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ (Nghị định 21) được xây dựng dựa trên Luật quốc tế về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Luật Quốc tế do Hội đồng Y tế Thế giới ban hành vào năm 1981, được sửa đổi, bổ sung thường xuyên bằng các Nghị quyết, được xem như các quy định tối thiểu nhằm bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, Nghị định 21 lại không bao trùm hết tất cả các điều khoản quy định trong Luật quốc tế và các Nghị quyết, do đó đã không thể bảo vệ các ông bố, bà mẹ và gia đình họ trước sự tấn công bằng những chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các công ty sữa.

 

Một cuộc đánh giá việc thực hiện Nghị định 21 được tiến hành năm 2011 của Bộ Y tế đã cho thấy, các công ty sữa trong và ngoài nước đã và đang vi phạm Nghị định này theo nhiều cách và trên diện rộng. Điển hình là tình trạng các công ty sữa (cả trong nước và nước ngoài) trưng bày tên, biểu tượng của sản phẩm tại các cơ sở y tế, thậm chí, sữa công thức còn được bày bán trong khuôn viên bệnh viện, thông qua các nhân viên y tế. Một vi phạm phổ biến khác là quảng cáo không đúng với chất lượng và chưa được kiểm chứng về lợi ích của sản phẩm. Những lỗi vi phạm này được ghi nhận ở tất cả các tỉnh được tiến hành đánh giá.

 

Cũng theo đánh giá này, hơn 10% các bà mẹ được hỏi cho biết, nhân viên bán hàng của công ty sữa đã tiếp cận trực tiếp với họ nhằm mục đích tiếp thị, bán hàng. Nếu Nghị định 21 không được tuân thủ nghiêm túc, các công ty sữa này có thể dễ dàng phân phát các quảng cáo và sản phẩm đến các gia đình và thuyết phục họ dùng sản phẩm sữa bột thay thế cho việc cho con bú; từ đó, sức khỏe của trẻ sẽ gặp các nguy cơ.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hiện có chưa đến 1/2 sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi tuân thủ đúng quy định về kinh doanh và quảng cáo sản phẩm. Mặc dù biết tình trạng y, bác sĩ tiếp tay cho quảng cáo sữa tại các cơ sở y tế, nhưng rất khó phát hiện và xử lý. Thậm chí, nhân viên y tế đã cung cấp thông tin, điện thoại để các hãng sữa gọi đến tư vấn, khuyến cáo các bà mẹ nên cho con dùng sữa của họ. Ở một số cơ sở y tế, đâu đó vẫn còn chuyện sản phụ sau khi sinh được y, bác sĩ khuyến cáo dùng sữa ngoài.

 

Bà Nguyễn Mai Hương (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế) cho rằng, việc quảng cáo quá mức và việc tặng quà hấp dẫn của các công ty sữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của bà mẹ trong lựa chọn sản phẩm thay thế sữa mẹ hơn là việc nuôi con bằng sữa mẹ. Phần lớn các bà mẹ đều cho con ăn sữa công thức (sữa bột), uống nước trong những ngày đầu đời và chỉ có 1 trong 5 trẻ là được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu.

 

Theo bà Nguyễn Mai Hương, kết quả nghiên cứu năm 2011 trên 10 tỉnh của Dự án Nuôi dưỡng và phát triển cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ xem truyền hình cao (gần 99% bà mẹ xem truyền hình), trong khi hơn 80% bà mẹ xem các quảng cáo về sữa bột ít nhất 1 lần/ tuần, nhưng chỉ có gần 40% bà mẹ được xem các chương trình tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ trên truyền hình.

 

Hiện nay, có hiện tượng nhiều công ty sữa tài trợ cho các bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), không nên cho phép các công ty sữa tài trợ cho các bệnh viện trong hoạt động tuyên truyền, tập huấn hay nghiên cứu khoa học. Vì thực chất, khi bỏ tiền tài trợ, các hãng sữa phải tính đến chuyện bán sản phẩm và thu lợi. Trong khi Nghị định 21 nghiêm cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thì đây được coi như một chiêu "lách luật".

 

Cùng với đó, hiện nay, không ít sản phẩm sữa dùng cho trẻ nhỏ vẫn “lách luật” để quảng cáo bình thường như: Quảng cáo các loại sữa non (dành cho trẻ sơ sinh) hay kín đáo hơn là “sữa 1-2-3”, bởi các sản phẩm này không dùng riêng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, mà dùng cho trẻ đến 3 tuổi. Nhiều người cho rằng, việc cấm quảng cáo các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi sẽ không đơn giản. Bởi nhiều sản phẩm sữa được dùng cho cả trẻ dưới và hơn 24 tháng tuổi, trừ khi luật được áp dụng nghiêm túc, khiến nhà sản xuất phải “tách” các sản phẩm ra theo lừng lứa tuổi.

 

Các chuyên gia y tế cho rằng, Nghị định 21 được thực hiện nghiêm túc hơn sẽ bảo vệ các bà mẹ và gia đình khỏi các quảng cáo không trung thực của các sản phẩm thay thế sữa mẹ, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì vậy, Bộ Y tế và UNICEF đề xuất sửa đổi Nghị định 21 để đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, không để các công ty lợi dụng kẽ hở, lách luật. Trong đó, cần sửa đổi quy định, nghiêm cấm việc tài trợ các loại tài liệu thông tin giáo dục truyền thông từ các công ty sữa và các công ty sản xuất bình bú và núm vú giả. Mở rộng giới hạn tuổi lên 24 tháng tuổi đối với các sản phẩm được điều chỉnh bởi Nghị định, theo đúng khuyến cáo của Luật Quốc tế...

 

Việt Nam có khoảng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi, trong đó suy dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả này. Trong những năm gần đây, mặc dù khuyến cáo về nuôi con bằng sữa mẹ: cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý- đầy đủ, cho bú kéo dài đến 24 tháng tuổi và lâu hơn nữa nhằm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được phổ biến tới các bậc cha mẹ, nhưng tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn vẫn thấp.