Chuyện cảm động ở Lưu Quang

08:40, 01/12/2012

Từ trục đường chính của xã Minh Tiến (Đại Từ), chúng tôi đi bộ theo con đường đất sần sẹo đỏ ôm vào từng vạt chè về xóm 1 Lưu Quang, đến thăm bố con anh Lương Văn Long. Hôm đó, ngày 24/11, bà con trong xóm rủ nhau đến chia vui với bố con anh dọn vào nhà mới. Ngôi nhà xây cấp 4, mái lợp tấm proximăng, nền lát gạch hoa trị giá hơn 30 triệu đồng do những người con Thái Nguyên đi làm ăn ở Hà Nội quyên góp, ủng hộ.

Anh Long xúc động: Nhờ có những tấm lòng hảo tâm của mọi người, bố con tôi mới có được một ngôi nhà để ở. Còn ông Nguyễn Đức Quang, thay mặt những người con xa quê nói khiêm tốn: Có là gì đâu, gọi là gom một chút lòng với quê hương. Chúng tôi làm việc này với mong muốn quê hương mình dần bớt đi cảnh nghèo.

 

 Được biết, đây là mái ấm thứ 2 do những người con Thái Nguyên xa quê về làm tặng cho người nghèo. Ngôi nhà trước được làm năm 2010 tặng cho bé Nông Thị Hạnh, 5 tuổi, sống cùng bà nội hơn 70 tuổi, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương). Ngôi nhà có trị giá 50 triệu đồng. Sau khi nhận nhà mới, bé Hạnh đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều nhà hảo tâm trong nước. Đặc biệt, bé Hạnh được Văn phòng Luật sư Đức Quang đứng ra nhận tài trợ nuôi bé Hạnh ăn học đến năm 18 tuổi.

 

Tôi hỏi ông Quang về mục đich đi làm việc thiện. Ông Quang bảo: Tôi sinh ra ở Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Tôi cũng có một tuổi thơ không may mắn, vì thế tôi luôn hướng lòng mình về nơi chôn rau cắt rốn. Tôi cũng như những người con Thái Nguyên xã quê làm việc này là từ tâm mình, chứ không phải để trục lợi bất cứ điều gì, như đánh bóng tên tuổi chẳng hạn.

 

Vâng! Con chim có tổ, con người có quê. Con người ta dù đi đến chân trời góc bể nào, thành danh hoặc gì gì chăng nữa cũng đều nhớ về nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Ông Quang cũng là một người trong số đó.

 

Xin trở lại với câu chuyện ở xóm 1 Lưu Quang. Ngày vào nhà mới, anh Long cũng chỉ biết ngồi một chỗ, muốn di chuyển đều phải dùng đến đôi cánh tay. Nhìn cảnh ấy, mấy ai trong cuộc đời không rung động, cảm thương. Nhà báo Trần Sáng, Báo Quân khu I trong chuyến đi thực tế đã chứng kiến hoàn cảnh của anh Long. Anh suy nghĩ nhiều lắm mới chắp mối với Hội đồng hương Thái Nguyên ở Hà Nội. Lời đề nghị của nhà báo Trần Sáng được mọi người chấp nhận, quyên góp mỗi người một chút để gửi về xây tặng nhà cho  bố con anh Long. Điều trân trọng là các ngày nghỉ cuối tuần, nhà báo Trần Sáng lại tòng tọc trên trên xe máy cũ, ngược mấy chục cây số từ T.P Thái Nguyên về Minh Tiến để khảo sát, thiết kế nhà, lo vật liệu, lo thợ làm nhà, cứ như đó là một công việc riêng của mình.

 

Chỉ cho tôi xem ngôi nhà cũ bị mưa bão làm đổ sập, ông Lương Hồng Liên, Trưởng xóm cho biết: Nói đúng hơn thì đấy là cái lều vịt. Bố con anh Long phải ở đấy vì hoàn cảnh quá nghèo. Bà Hoàng Thị Hợp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm cho biết thêm: Bố con anh Long sống khổ lắm, bà con trong xóm cũng nghèo, nên chẳng có gì giúp hằng ngày. Còn chị Lê Thị Sâm, giáo viên Trường Mầm non Minh Tiến nói: Bà con trong xóm cũng chỉ biết giúp bằng cách tạo cho anh Long việc làm là gửi con, nhờ anh Long đưa tụi trẻ đến trường.

 

Trước đây, anh Long là một người khoẻ mạnh, xốc vác. Nhưng do một lần đi mót than, anh bị cả một khối lớn đất đá đổ đè lên người. Sau lần đó anh bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Cuộc sống gia đình anh trở lên hết sức khó khăn. Nhiều đêm nghe tiếng thở dài của vợ, anh thủ thỉ: Tôi không còn làm được chức năng của một người đàn ông. Em còn trẻ, nên đi tạo lập hạnh phúc mới với người đàn ông phù hợp hơn. Chị Hoàng Thị Lý, vợ Long, gạt nước mắt bỏ lại cho chồng đứa con 4 tuổi để về thành phố làm ăn rồi lấy chồng ít tháng sau đó. Còn lại trong túp lểu rách nát người đàn ông tật nguyện và đứa con thơ dại. Hằng ngày, anh Long lê la lên đồi đi hái chè, xao chè, công việc mà một người khoẻ mạnh làm lụng còn vã mồ hôi. Qua 2 mùa chè, anh Long tích cóp được hơn 10 triệu đồng, số tiền ấy anh mua chiếc xe máy lôi, loại xe cải tiến từ chiếc xe máy cũ, phía sau hàn thêm thùng hàng. Có phương tiện làm ăn, anh Long hằng ngày đưa gần 10 cháu trong xóm đi học và vận chuyển thuê cho mọi người. Mỗi lần leo lên xe, anh phải dùng đôi tay mình đu bám lên, hoặc nhờ người bế lên xe. Long bảo: Đường xóm gồ ghề, có lần bị xóc văng cả người ra ngoài. Mới đây nhất, hôm đầu tháng 11, đang lái xe thấy có mùi khét lẹt, nhìn xuống thấy chân của mình bị đặt vào ống xả kêu xèo xèo như người ta rán mỡ.

 

Chân của Long không có cảm giác gì, nên không thấy đau. Long cho biết thêm: Từ đây đến truờng học phải qua đoạn đường khoảng 4 cây số, bà con gửi các cháu cho tôi đưa đi học, tiền cước tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Vì tôi biết bà con thương, mới giao việc để tôi có thêm thu nhập. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng ban Công tác Mặt trận cho biết: Xóm có 76 hộ thì 36 hộ nghèo. Khi bố con anh Long được giúp tiền làm nhà, với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mỗi hộ ủng hộ thêm 15.000 đồng. Công ty Lâm nghiệp Đại Từ cũng ủng hộ toàn bộ cây làm xà, hoành. Những ngày thi công, bà con trong xóm đều có mặt, góp công làm móng, vận chuyển nguyên vật liệu.

 

Qua phiên dịch, mấy vị khách người Hàn Quốc là Han Kyung Nam, Lee Won và Ham Dong OK đang làm việc tại Công ty Asantech (Hà Nội) cùng đi theo đoàn Hội những người Thái Nguyên ở Hà Nội xúc động: Ông Han Kyung Nam lơ lớ nói: Người Việt Nam có tinh thần cộng đồng tuyệt vời. Các bạn đã làm việc giúp nhau mà chẳng màng lợi lộc gì... Tôi bảo: “Thế mới là người Việt Nam”. Còn ông Quang cho biết thêm: Thời gian tới, Hội những người Thái Nguyên ở Hà Nội có dự định sẽ trực tiếp xây dựng thêm 3 ngôi nhà tặng cho người nghèo, đồng thời dự kiến đóng góp chu cấp nuôi 10 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ăn học đến năm 18 tuổi.

 

Tôi mong dự định ấy của các anh thành hiện thực. Vì những địa chỉ nghèo đang rất cần đến những tấm lòng nhân ái của mọi người trong cộng đồng xã hội,