HIV/AIDS đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình. Ðặc biệt đối với trẻ em, là đối tượng dễ bị tổn thương, phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS gây ra.
Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV) từ nhiều năm nay luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng hơn 457 nghìn trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 9.757 trẻ nhiễm HIV/AIDS. Hơn 50% số trẻ trong số đó thuộc các gia đình nghèo và rất nghèo.
Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Ngũ Duy Anh cho biết: Ngành giáo dục các cấp đã chủ động trong việc phối hợp ngành y tế, lao động - thương binh và xã hội trong tổ chức triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức và có hành động tích cực về bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục và hưởng chính sách xã hội của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được cải thiện. Nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được hình thành và ngày càng được mở rộng. Các dịch vụ về chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mô hình kết nối toàn diện, tiếp nhận và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở giáo dục mầm non, các trường công lập được nhân rộng.
Bên cạnh đó, các trường học đã lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các môn học, các hoạt động của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và các nội dung khác có liên quan như giáo dục giới tính, kỹ năng sống... Ðối với các cấp học mầm non, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS cũng được cung cấp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Nhờ đó, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục và hưởng chính sách xã hội của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được cải thiện. Ngoài ra, công tác truyền thông và hoạt động can thiệp dự phòng tích cực, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi, thi tìm hiểu kiến thức,...
Ðáng chú ý, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV trong các trường học về cơ bản đã giảm đáng kể. Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV đã được học và hòa nhập cộng đồng, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác... Nhiều Sở GD và ÐT đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục thực hiện các quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử, bảo đảm quyền được học tập và quyền được làm việc của người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Theo báo cáo của 36 Sở GD và ÐT, đã có hơn 293 trẻ bị nhiễm HIV, 32 giáo viên, hai cán bộ công nhân viên, trong đó riêng tỉnh Cao Bằng có ít nhất 26 giáo viên, 100 học sinh; Kiên Giang có 177 học sinh được phát hiện nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, hiện nay vẫn được tiếp tục học tập, giảng dạy và làm việc tại các cơ sở giáo dục mà không xảy ra tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử. Tại Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội số II (Ba Vì, Hà Nội), các chương trình truyền thông được tổ chức thường xuyên tại các thôn, xóm, trường học về chống phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV, trong đó có những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Hiện nay, các trẻ được chăm sóc tại trung tâm theo mô hình gia đình. Ngoài giờ học trên lớp, khi về nhà trẻ được cán bộ, mẹ nuôi dạy bảo thêm, các anh chị lớn tuổi theo kèm cặp, dạy các em học. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang), vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như là một biện pháp cho các vấn đề liên quan việc chống lại căn bệnh thế kỷ này, vì kỳ thị và phân biệt đối xử chính là nguyên nhân làm gia tăng HIV/AIDS.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Ngũ Duy Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như hạn chế về nhận thức của một số cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhận thức của cán bộ, giáo viên và HSSV đã được nâng cao nhưng chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ; chưa có nhiều các dịch vụ tại cộng đồng, thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong chăm sóc tư vấn tâm lý cho trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng... Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngành y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội cần phối hợp xây dựng và phát triển các dịch vụ xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường và hỗ trợ các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Ngoài ra, đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong đó có giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm về công tác y tế trường học đối với các cơ sở giáo dục.