Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề nóng ở Việt Nam. Với những hệ lụy nhìn thấy ở nước có tình trạng tương đồng, Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong vòng 5-10 năm nữa. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, nhiều chuyên gia dân số cho rằng, chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ cần được sớm được quan tâm triển khai thử nghiệm.
Phụ nữ sẽ bị “giành giật”
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã từng nhận định: Sự gia tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Từ năm 2006 đến năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể, từ 109 bé trai/100 bé gái lên mức 111 bé trai/100 bé gái. Thậm trí đối với trường hợp sinh con ở lần thứ ba, tỷ số này cao đến mức 120 trai/100 gái.
Đặc biệt xu hướng trên xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu, còn việc lựa chọn giới tính khi sinh của khu vực nông thôn chỉ xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi.
Chênh lệch nam nữ diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước và liên tục biến động. Ví như vào năm 2009, Hưng Yên và Hải Dương đứng đầu cả nước về mất cân bằng giới tính thì đến năm 2011, Quảng Bình và Bắc Ninh lại vượt lên dẫn đầu, tất cả đều vượt tỷ lệ 120 bé trai/100 bé gái.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) thì tỉ số GTKS của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050.
Các nhà nghiên cứu dự báo, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân.
Tình trạng này sẽ dẫn tới các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội như làm gia tăng các hành vi bạo lực, mãi dâm, cưỡng dâm, phá vỡ cấu trúc gia đình. Ngoài ra, còn làm gia tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao, bạo hành giới...
Điều đáng lo ngại là tình trạng MCBGTSKS của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã rơi vào tình trạng này và đang phải đối mặt với hệ lụy của nó. Hằng năm, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được số nam giới đến tuổi trưởng thành có nhu cầu kết hôn. Phần lớn các phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là cô dâu của các nước nói trên. Điều đó cho thấy, nếu tình trạng MCBGTKS không được khống chế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.
“Một số hậu quả có thể thấy trước được là việc gia tăng quy mô các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ sẽ bị “giành giật” và sẽ phải kết hôn sớm hơn”- TS Dương Quốc Trọng khẳng định.
Ưu tiên nữ để khống chế mất cân bằng giới
Các chuyên gia dân số cho rằng, tâm lý ưa chuộng con trai, muốn có người nối dõi tông đường là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân người Việt Nam.
Cùng với đó, do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng họ lại mong muốn trong số đó phải có con trai và do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình ở một số vùng kinh tế xã hội, nhiều công việc nặng nhọc đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình... cũng là nguyên nhân khiến tỉ số GTKS ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, có thể nói, nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tình trạng MCBGTKS là do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như áp dụng ngay từ trước lúc có thai, trong lúc thụ thai hoặc chẩn đoán giới tính khi đã có thai, nếu thai là trai thì để lại, nếu là gái thì bỏ đi.
Chính vì vậy, để kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh, các chuyên gia dân số cho rằng cần tích cực nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm các chính sách ưu tiên nữ giới, hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề gái; sửa đổi bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, nhất là các gia đình sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống xã hội và gia đình.
TS. Dương Quốc Trọng cho biết, Bộ Y tế vừa đề nghị Ban Bí thư xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020.
Theo Đề án này, một giải pháp quan trọng để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là các biện pháp hỗ trợ đối với các em gái sinh trong gia đình một bề toàn nữ.
Đề án nêu rõ, chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề là con gái và cha mẹ của các em. Các gia đình có con một bề là con gái được sự hỗ trợ của nhà nước.
Theo đó, sẽ ưu đãi các em gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình. Ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác …
Hỗ trợ cho gia đình sinh con 1 bề là con gái là một chủ trương hợp lý bên cạnh việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Từ đó, mục tiêu của Bộ Y tế là khống chế tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và dưới mức 115/100 vào năm 2020.
TS. Dương Quốc Trọng cho rằng, ngoài các biện pháp tuyên truyền, tăng cường nhận thức, siết chặt các văn bản quy phạm pháp luật cấm lựa chọn thai nhi thì cũng cần đến phải sửa đổi quy định về phá thai có điều kiện nhằm hạn chế phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực hiệu quả kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các hình thức, cá nhân vi phạm.
Đó cũng là lý do mà Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2012 được ngành Y tế lấy chủ đề là "Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước".