Hội chứng “thực phẩm sạch” và nỗi lo của người dân

10:36, 19/12/2012

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép trong rau, quả; gia súc, gia cầm có mầm bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng…khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng khi dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ sức khỏe, nhiều người dân đã trồng rau, chăn nuôi để tự túc một phần thực phẩm cho gia đình hay chí ít là tìm tới những địa chỉ tin cậy khi mua thực phẩm…

Nhiều người khi đến chợ không chỉ chú tâm tìm kiếm thịt, rau, củ, quả còn tươi mà điều quan thiết là mua được những thực phẩm có nguồn gốc. Một số người cẩn thận và có điều kiện kinh tế, sau khi mua thực phẩm ở chợ về còn sử dụng máy tạo ô-zôn để khử độc trước khi chế biến, sử dụng. Vẫn chưa đủ yên tâm nên nhiều người dân đã tự trồng rau xanh (đối với những hộ có diện tích đất rộng) hoặc tìm đến những hộ nông dân chuyên trồng rau đặt mua thực phẩm với giá cao hơn ngoài thị trường nhưng yêu cầu chủ hộ cam kết thực phẩm an toàn.

 

Riêng với thịt gia súc, thịt gia cầm, nhiều người dân ở thành thị đã đặt người thân ở nông thôn tổ chức chăn nuôi rồi mổ thịt cất giữ trong tủ lạnh ăn dần. Chị Đinh Thị Thùy Linh ở tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) tâm sự: “Quê ngoại tôi ở Phú Bình nên thường xuyên nhờ người thân mua giúp gà, trứng, thịt lợn gửi lên cho gia đình. Thực phẩm phải mua với giá cao hơn nhưng chúng tôi yên tâm sử dụng. Để chủ động nguồn thực phẩm, tôi đã vận động được 5 hộ trên thành phố góp tiền mua giống, ngô để một người thân nuôi lợn...”. Đối với bác Nguyễn Ngọc Tăng, tổ 16, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) lại chủ động tìm kiếm thực phẩm sạch bằng cách mở rộng khuôn viên của gia đình để có đất trồng rau, đầu tư xây dựng chuồng tự nuôi gà, nuôi lợn, đào ao thả cá. Bác Tăng cho biết: “Một lần người nhà mua thịt ngoài chợ về, tôi đưa vào máy tạo ô-zôn khoảng 20 phút sau thấy nổi bọt như xà phòng, để khô loại bọt này kết lại thành lớp mỏng có độ quánh như cao su và để nhiều ngày vẫn không tan. Trong nhà có người già, trẻ nhỏ nên tôi rất lo và quyết định cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để kiểm soát thực phẩm. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình tôi tự túc được khoảng 90% lượng thực phẩm sử dụng hàng ngày nên không còn lo ngại bị ngộ độc”. Người có điều kiện như bác Tăng trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các đô thị khác trong tỉnh không nhiều nên muốn lao động để tự túc thực phẩm sạch không phải gia đình nào cũng thực hiện được.

 

Tuy nhiên, việc người dân tìm kiếm, cất giữ thực phẩm sạch để sử dụng cũng là điều cực chẳng đã vì mổ thịt một con lợn các gia đình phải sử dụng tủ lạnh bảo quản vài tháng mới dùng hết nên chất lượng thực phẩm phần nào bị giảm sút. Một gia đình dù nỗ lực đến mấy cũng không thể sản xuất được tất cả các loại rau, củ, quả và các loại thịt nên bữa ăn thường nhàm chán vì thực phẩm ít được thay đổi. Ngoài ra, thực phẩm bảo quản không đúng cách lại tiềm ẩn những mối nguy hại khác. Theo ông Lý Ngọc Cảnh, Chỉ cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế): “Thực phẩm tươi sống bảo quản lạnh phải chia thành nhiều gói nhỏ, không ngâm nước và thời gian tối đa là 4 ngày với môi trường lạnh âm 16 độ trở xuống. Nếu bảo quản thực phẩm dài ngày và không đúng phương pháp thì vitamin, khoáng chất sẽ giảm, thực phẩm bị nhiễm khuẩn rất nhanh khi bỏ ra ngoài để tan đông…”.

 

Để người dân yên tâm mua, sử dụng thực phẩm bày bán trên thị trường, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người sản xuất, kinh doanh, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng nên có cơ chế: Buộc người bán thực phẩm tại các chợ phải cam kết cung cấp thực phẩm an toàn, đăng ký chủng loại hàng bày bán và cấp thẻ có thông tin cụ thể về người bán nhằm giám sát (chỉ những người có thẻ mới được phép kinh doanh tại chợ); tất cả các thực phẩm bày bán ở chợ phải lấy mẫu kiểm tra định kỳ từng ngày và bảo quản có thời hạn (như tại các bếp ăn tập thể hiện nay), trên cơ sở đó sẽ sử lý được những người bán thực phẩm không an toàn. Các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện được những biện pháp trên, chắc chắn sẽ phần nào giảm bớt nỗi lo mất an toàn thực phẩm hiện nay.