Nâng cao hiệu quả công tác an toàn - vệ sinh lao động: Cần thay đổi từ nhận thức

16:02, 14/12/2012

Trong thời gian qua, công tác an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn gia tăng. Một trong những nguyên nhân được cho là do người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TB & XH), tai nạn lao động (TNLĐ) có xu thế tăng nhanh từ 840 trường hợp năm 1995 lên 1.405 trường hợp năm 2000 và lên tới 6.337 trường hợp năm 2007. Riêng năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ TNLĐ làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết. Tuy nhiên, số vụ TNLĐ trên thực tế còn cao hơn vì số liệu thống kế báo cáo này chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn.

 

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng người mắc bệnh và loại bệnh với 27.246 trường hợp tính đến cuối năm 2011.

 

Ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ còn yếu kém

 

Tại Hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020 được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh đã chỉ ra, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu kém, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề. Mặt khác, người sử dụng lao động chỉ quan tâm đến các quy định chung trong Bộ luật Lao động để tránh những sai phạm mắc phải, còn các văn bản hướng dẫn thực hiện lại chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện chỉ mang tính chất chống đối sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong khi tại các doanh nghiệp Nhà nước việc thực hiện pháp luật về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đã được chú trọng thì trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân, bình quân mỗi năm chỉ có 13,8% chủ sử dụng lao động tham gia các lớp huấn luyện ATVSLĐ. Chính vì vậy, việc cập nhật thông tin, kiến thức và các văn bản quy phạm pháp luật là hạn chế, người sử dụng lao động, cán bộ quản lý chưa hiểu biết đầy đủ về các nghĩa vụ của họ trong công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ mà pháp luật đã quy định, dẫn tới việc ý thức thực hiện các quy định về chính sách, chế độ ATVSLĐ chưa cao. Thực tế, tại đa số các công trình xây dựng việc tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động hầu như không được thực hiện. Do đó, tỷ lệ TNLĐ nghiêm trọng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng (36%). Đáng chú ý, hiện lao động ngành nông-lâm nghiệp chiếm 52,1% tổng số lao động cả nước, nhưng họ lại ít khi được tiếp cận với thông tin và được huấn luyện nhằm cải thiện an toàn và sức khỏe.

 

Thêm vào đó, nhiều nội dung quan trọng về ATVSLĐ chưa được quy định hoặc không thể quy định rõ trong Bộ luật Lao động, cần phải có quy định chi tiết mới thể hiện được như: các quy định về tổ chức quản lý về an toàn lao động (ATLĐ), quỹ bồi thường tai nạn lao động (TNLĐ); lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn ATVSLĐ, việc quản lý các cơ sở, cá nhân sản xuất, chế tạo các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...

 

Cần có các chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật ATVSLĐ

 

Đề cập đến vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ, ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai, phổ biến chế độ, chính sách, thông tin về ATVSLĐ đến người sử dụng lao động và người lao động của các cấp công đoàn đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, nội dung huấn luyện lại chưa sát với công việc, nghề nghiệp cụ thể của người lao động; công tác tham gia xây dựng các chế độ chính sách pháp luật về ATVSLĐ còn chưa hiệu quả dẫn đến một số văn bản trong lĩnh vực ATVSLĐ còn có sự chồng chéo không thống nhất nên rất khó thực hiện.

 

Trong khi đó, các vụ TNLĐ chết người thì hầu hết đều xử lý hành chính nội bộ, số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2% nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa ngăn chặn các vụ TNLĐ.

 

Vì vậy, ông Nguyễn Trung Sơn đề nghị sớm xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ để nâng cao vị trí pháp lý của công tác ATVSLĐ, đặc biệt cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ. Đồng thời, tăng mức xử phạt cũng như có các chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật ATVSLĐ. Mặt khác, theo ông Sơn việc quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho các bộ, ngành để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý tình trạng vi phạm ATVSLĐ.

 

Cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cũng cho hay, việc thực hiện quản lý vệ sinh lao động của Bộ Y tế hiện nay gặp không ít khó khăn. Bởi, hiện chưa có chế tài để xử phạt đối với người sử dụng lao động, người lao động không chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động dẫn đến việc các đối tượng này coi thường pháp luật. Hơn nữa, ngành Y tế không có chức năng thanh tra chuyên ngành vệ sinh lao động, vì vậy, việc phát hiện, xử lý các cơ sở lao động không chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở lao động có yếu tố nguy cơ cao.

 

Để khắc phục những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Huy Nga cho rằng cần mở rộng các đối tượng phải thực hiện luật ATVSLĐ đến các thành phần lao động phi kết cấu, lao động trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, lao động tư nhân không có hợp đồng lao động...;thành lập thanh tra chuyên ngành vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với người sử dụng lao động và người lao động cũng như quy định về thành lập quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đóng theo các nguy cơ.

 

Có thể thấy, TNLĐ chủ yếu do con người gây ra, vì vậy chính con người có thể và cần phải áp dụng mọi biện pháp để làm giảm TNLĐ. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, muốn thực hiện mục tiêu giảm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, trước hết cần tuyên truyền sâu rộng về Văn hóa phòng ngừa nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành vi, chuyển dần từ bắt buộc thực hiện sang tự giác thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ để mọi người cùng có ý thức phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật ATVSLĐ nhằm tăng tính thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.