Đêm về sáng 6/12, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai đạt ngưỡng cực đại, khiến nhiệt độ giảm xuống mức cực tiểu trong đợt lạnh rét này. Vùng núi nhiều nơi rét đậm, vùng núi cao rét hại, có nơi rét hại nặng.
Các trạm Khí tượng Lào Cai quan trắc được nhiệt độ thấp nhất các khu vực trong tỉnh đồng loạt giảm. Cụ thể, nhiệt độ ở thành phố Lào Cai là 15 độ C; thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) là 15,3 độ C; vùng núi Bắc Hà rét hại là 10,7 độ C; vùng núi cao Sa Pa là 7,5 độ C. Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất tính từ đầu Đông đến nay ở Lào Cai.
Theo kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lào Cai, từ trưa 6/12 trở đi, không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc suy yếu dần. Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, sáng có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Nhiệt độ nhích dần lên, tuy nhiên tiết trời tương đối ấm áp không kéo dài.
Nhiều khả năng đêm về sáng ngày 8/12, một đợt không khí lạnh mới tăng cường yếu xuống miền Bắc. Trời có mưa nhỏ rải rác, thời tiết rét trở lại nhưng không sâu.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa đã kịp thời hướng dẫn nông dân chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh trên đàn gia súc. Phòng Kinh tế huyện Sa Pa cử cán bộ xuống các xã, đến từng thôn, bản, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.
Để có đủ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, cán bộ Phòng Kinh tế cùng cán bộ khuyến nông, cán bộ xã đã vận động nhân dân dành diện tích đất chưa sử dụng, đất trồng cây lương thực kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ có khả năng chống chịu sương muối tốt, phổ biến là cỏ VA06.
Huyện Sa Pa hướng dẫn bà con chỉ chăn thả gia súc trong điều kiện thời tiết ấm; không chăn thả và cho gia súc làm việc trong những ngày mưa, rét, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, đồng thời cung cấp đầy đủ thức ăn thô, bổ sung thức ăn tinh, nước ấm pha muối loãng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Rút kinh nghiệm của những năm trước, bước vào mùa Đông năm nay, cán bộ khuyến nông và thú y huyện Sa Pa đã vận động bà con thường xuyên kiểm tra chuồng trại, sử dụng bao bì, bạt, phên tre, nứa và các vật liệu khác che chắn kín chuồng trại; triển khai tiêm vắcxin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; thường xuyên theo dõi các khu vực có nguy cơ lây nhiễm và các ổ dịch cũ, tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc theo định kỳ.
Huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; chủ động lực lượng, các điều kiện và phương tiện kỹ thuật cần thiết phòng, chống dịch bệnh.