Bệnh phẩm cùng các loại chất thải y tế nguy hại khác được thải ra hằng ngày nhưng nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh chưa được trang bị lò đốt rác y tế, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Một số bệnh viện đã chọn cách tự hủy theo phương pháp thô sơ như là đốt rồi chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm tới môi trường.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ lần đầu tiên được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác thải y tế trị giá 7,5 tỷ đồng. Hệ thống mới đi vào hoạt động khoảng 1 tuần nay và được tính toán để đáp ứng tốt nhu cầu xử lý chất thải của bệnh viện trong thời điểm hiện tại và cả tương lai hàng chục năm tới. Với hệ thống này, mỗi ngày bệnh viện có thể tiêu hủy hàng trăm kg chất thải rắn và hàng trăm mét khối nước thải. Trước đây, khi chưa được trang bị hệ thống xử lý chất thải, bệnh viện thường xuyên xả trực tiếp chất thải lỏng qua đường nước thải sinh hoạt. Còn với chất thải rắn, Bệnh viện phải đốt theo phương pháp thủ công sau đó chôn lấp cùng rác thải sinh hoạt. Tất cả các biện pháp này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Đây là niềm vui lớn của chúng tôi. Giờ đây tất cả chất thải của bệnh viện đã được xử lý đảm bảo đủ tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài cùng với chất thải sinh hoạt.”
Mặc dù vậy, không phải bệnh viện nào trên địa bàn tỉnh cũng được như Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Hỷ. Trong số 19 bệnh viện trên địa bàn tỉnh (tính cả Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên) chỉ có 8 đơn vị có lò đốt chất thải rắn. Còn hệ thống xử lý nước thải cũng nơi có nơi không. Ngay tại trung tâm T.P Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép hiện chỉ có hệ thống xử lý chất thải lỏng đang hoạt động. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, từ năm 1995, đơn vị đã được trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn nhưng hiện đã hư hỏng và không thể hoạt động. Trong lúc đợi ngành Y tế trang bị hệ thống mới, bệnh viện đã ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải rắn với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị (MT&CTĐT). Toàn bộ chất thải rắn của bệnh viện thu gom lại hàng ngày rồi vận chuyển đi xử lý tại lò đốt rác của Công ty CP MT&CTĐT. Công ty này đang được UBND tỉnh giao sử dụng một lò đốt từ năm 2004 thực hiện việc đốt rác thải y tế theo hợp đồng với các bệnh viện chưa có lò đốt đạt tiêu chuẩn.
Bà Đào Thị Hồng Loan, Giám đốc Chi nhánh Môi trường, đơn vị trực tiếp quản lý lò đốt rác thải y tế của Công ty CP MT&CTĐT cho biết: Theo quy định của Sở Tài chính, Công ty chỉ thu mức phí 14.000 đồng/kg rác thải y tế tiêu hủy. Mức giá này là thấp và Công ty có lợi nhuận không đáng kể từ hoạt động của lò đốt. Ngoài sự đầu tư của UBND tỉnh, Công ty CP MT&CTĐT cũng đã đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để xây nhà bảo ôn, mua xe vận chuyển chuyên dụng… Tuy nhiên lò đốt này mới vận hành chưa được 50% công suất thiết kế do không có nguồn rác thải. Trung bình mỗi ngày, Công ty đốt trên 180kg rác thải y tế trong khi công suất thiết kế của lò đốt trên 400kg rác mỗi ngày. Trong khi đó, vẫn còn nhiều bệnh viện đặc biệt là tuyến huyện và cơ sở khám chữa bệnh chưa có lò đốt tiêu chuẩn nhưng không ký hợp đồng tiêu hủy rác với Công ty. Trong các bệnh viện tuyến huyện, chỉ có Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ ký hợp đồng vận chuyển, tiêu hủy rác thải y tế. Ngoài ra, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn cũng không ký hợp đồng vận chuyển, tiêu hủy rác y tế trong khi theo quy định, các phòng khám tư nhân phải có phương án tiêu hủy rác y tế mới được phép đăng ký hoạt động!
Lò đốt do tỉnh đầu tư giao cho Công ty CP MT&CTĐT quản lý, vận hành mới đạt chưa được 50% công suất thiết kế gần như rác thải y tế từ các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám còn đang bị để ngỏ. Nghịch lý này đòi hỏi ngành Y tế cần phải có biện pháp hữu hiệu điều chỉnh kịp thời để không tiếp tục xảy ra tình trạng lò đốt rác thải y tế hoạt động chưa hết công suất mà lượng rác thải y tế vẫn còn nhiều chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm cho môi trường.