Quản lý, vận hành bãi thải: Nhiều chủ mỏ vẫn xem nhẹ

09:39, 13/12/2012

Vụ sạt lở bãi thải số 3 - Mỏ than Phấn Mễ tại xã Phục Linh (Đại Từ) xảy ra chưa lâu, làm 6 người thiệt mạng, hàng chục nhà dân bị vùi lấp, phải sơ tán, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Những tưởng sự cố này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đơn vị, doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn, nhưng thực tế ở nhiều nơi, chủ mỏ vẫn thờ ơ, xem nhẹ vấn đề an toàn trong quản lý, sử dụng bãi thải.

 

Trong 22 doanh nghiệp khai khoáng được kiểm tra trên địa bàn tỉnh thì có 1 doanh nghiệp sử dụng bãi thải trong, còn lại 21 doanh nghiệp sử dụng bãi thải ngoài để chứa đất đá thải. Trong đó có 11 mỏ sử dụng hồ chứa để chứa bùn quặng sau tuyển, 3 mỏ sử dụng bãi thải nổi để chứa đất đá, còn lại là các mỏ khai thác hầm lò, lộ thiên có diện tích bãi thải nhỏ, thực hiện đổ thải thành dải, xa dân cư…

 

 

 

Một thực tế đáng buồn hiện nay là sau khi được cấp mỏ và hoàn thiện các hình thức đầu tư, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chỉ chú tâm vào khai thác, chế biến để thu lợi, còn không mấy lưu ý đến vấn đề vận hành bãi thải và xử lý chất thải. Đánh giá mới nhất của Đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thì trong tổng số 22 đơn vị khai khoáng được kiểm tra  chỉ có 6 đơn vị thực hiện việc lập hồ sơ quản lý chất lượng công trình và vận hành bãi thải, số còn lại đều chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết trên.

 

Theo ông Trần Ngọc Quang, chuyên viên Sở Công Thương, thành viên Đoàn kiểm tra thì bãi thải được xem là một hạng mục công trình không thể thiếu trong hoạt động khai khoáng. Mà đã là hạng mục công trình Luật Xây dựng quy định phải có hồ sơ thiết kế. Nếu không có thiết kế thì hạng mục công trình đó sẽ tạo những nguy hiểm khó lường. Trong thiết kế, bao giờ cũng có các quy trình vận hành cụ thể. Quy trình vận hành bãi thải có thể được thực hiện theo hai hình thức, một là đổ thải theo lớp bề mặt, hai là đổ theo từng khu vực với điều kiện tất cả đều phải đúng tổng thể thiết kế ban đầu. Ông Quang cũng dẫn chứng, có trường hợp bãi thải theo thiết kế không được đổ thải ban đêm, nếu có thì phải có phương án chiếu sáng đảm bảo; có trường hợp bãi thải là thung lũng thì buộc phải đổ theo thứ tự cắt tầng từ trên xuống… Nếu không có thiết kế mà cứ đổ tràn lan theo kiểu tự do thì cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, thiết kế vận hành bãi thải còn giúp cho việc đánh giá nền móng công trình yếu hay khỏe, chịu được tải trọng bao nhiêu; đánh giá được mức độ ảnh hưởng của việc đổ thải đến các công trình, tài sản xung quanh (sông suối, đê kè, nhà dân, hoa màu…), đến những tác động xấu tới môi trường tự nhiên, từ đó hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ mỏ.

 

Do chưa thật sự quan tâm đến việc lập hồ sơ thiết kế vận hành bãi thải nên thời gian qua, nhiều chủ mỏ tự tìm vị trí để hình thành bãi thải và đổ thải theo cảm tính. Việc đổ thải tại bãi thải số 3 của Mỏ than Phấn Mễ cũng được xác định một phần là do nền đất yếu, lại không có bờ bao che chắn nên khi khối lượng thải lớn cộng với thời tiết xấu đã kéo trượt một lượng đất đá khổng lồ xuống phía dưới. Được biết, việc nền đất yếu đang là tình trạng chung của nhiều bãi thải khai khoáng trên địa bàn hiện nay, nhất là các bãi thải nổi của các mỏ than. Trong 3 mỏ than được kiểm tra là Mỏ than Khánh Hòa, Mỏ than Núi Hồng và Mỏ than Bá Sơn thì có 2 mỏ thiếu hồ sơ thiết kế bãi thải và hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Bởi vậy, việc đổ thải của các đơn vị này chủ yếu là tự do, không theo thiết kế, nên nguy cơ mất an toàn luôn rất cao. Hiện tại, chiều cao đổ thải của các bãi thải này đã ở mức từ 50 đến 150m.

 

Có thể kể tên một số đơn vị chưa có hồ sơ thiết kế vận hành bãi thải hoặc có nhưng thực hiện chưa đúng quy định như: Công ty TNHH Doanh Trí, chưa có hồ sơ thiết kế vận hành bãi thải của Mỏ chì kẽm Côi Kỳ (Đại Từ); Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên hồ sơ thiết kế bãi thải Sa Lung - Mỏ chì kẽm Làng Hích chưa đúng quy định; Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc chưa có hồ sơ thiết kế kỹ thuật bãi thải mỏ chì kẽm Cuội Nắc (Phú Lương)…

 

Chúng tôi có dịp khảo sát cùng các chuyên gia trong ngành khai khoáng của tỉnh tại khu vực Mỏ sắt Ngàn Me, thuộc địa bàn xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Tại đây, bãi thải được chủ mỏ lập tạm, trên cơ sở ruộng thụt của người dân. Việc vận hành đổ thải chủ yếu theo hình thức tự do không theo quy trình thiết kế cụ thể. Chân bãi đổ thải chưa được xây kè bao quanh, độ dốc của bãi thải khá lớn, mất an toàn cao. Ông Vũ Văn Tính, người trực tiếp phụ trách công tác quản lý khai thác Mỏ Ngàn Me cho biết: “Chúng tôi đã lập quy hoạch bãi thải, song thiết kế vận hành lại chưa thực hiện được. Hiện tại chúng tôi đang đổ thải theo mặt bằng, đổ đến đâu dùng máy gặt san phẳng đến đó”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc đổ thải như vậy sẽ rất nguy hiểm, phải cắt tầng mới bảo đảm an toàn. Tại thời điểm đó, chúng tôi phát hiện trên bề mặt bãi thải đã có một số vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

 

Đánh giá mới đây của các nhà chuyên môn cho thấy, do khai thác trên phạm vi rộng, bờ bao bảo vệ ít được quan tâm gia cố, hơn nữa kinh nghiệm khai thác hạn chế, nên mỗi khi mưa to nhiều điểm mỏ, bãi thải đã bị sụt lún, tràn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hoa màu, nhà cửa của người dân. Thực tế này đã xảy ra với trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Bantich Titan vào năm 2008, nhưng gần như các doanh nghiệp khác vẫn không lấy đó làm bài học cho mình. Việc quản lý vận hành bãi thải theo quy định của pháp luật là nhiệm vụ quan trọng đối với các chủ mỏ. Kinh nghiệm cho thấy, việc để xảy ra sự cố bãi thải và giải quyết sự cố đó không chỉ gây thiệt hại cho xã hội mà trực tiếp khiến chủ mỏ phải “mất ăn, mất ngủ”, lao đao tìm phương án giải bài toán thu nhập, việc làm… Do vậy, việc bảo đảm an toàn trong quản lý, vận hành bãi thải phải được các chủ mỏ đặc biệt quan tâm, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” như một vài đơn vị đã từng gặp phải trước đây.