Quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết, nhưng phải quản lý chặt chẽ

08:37, 27/12/2012

Bộ Giao thông vận tải khẳng định, việc hình thành Quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết, là đòi hỏi khách quan và cũng để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Số tiền phí sử dụng đường bộ sẽ được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước.  

Vốn ngân sách Nhà nước cho công tác sửa chữa đường bộ chỉ đạt 40% nhu cầu

 

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ gồm 95 tuyến với tổng chiều dài 17.646 km, đường tỉnh 24.249 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.

 

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ chỉ đạt 40% nhu cầu và có xu hướng giảm dần. Sau nhiều năm không được bố trí vốn đầy đủ, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có cả Quốc lộ 1 đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đường sá, gây mất an toàn cho người tham giao thông.

 

Thực tế, việc thu phí sử dụng đường bộ ở nước ta đã được thực hiện ngay từ thời kỳ bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Nghị định số 145-TTg ngày 15/3/1958 của Chính phủ quy định thể lệ tạm thời thu phí tổn sửa đường là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước về thu phí sử dụng đường bộ). Sự thay đổi nhiều lần các hình thức thu phí sử dụng đường bộ vẫn không bao quát được tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, không tạo được sự công bằng trong thu phí sử dụng đường bộ như: Thu trực tiếp theo tháng; thu theo phần trăm trên doanh thu cước vận tải; thu gián tiếp qua xăng dầu (về cơ bản không thực hiện được do không tách được dầu diezel sử dụng cho giao thông đường bộ và dầu diezel sử dụng cho những ngành và lĩnh vực khác); thu trực tiếp theo lượt xe chạy qua trạm thu phí (như hiện nay). Trong đó, phương thức thu trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ khi qua trạm thu phí được áp dụng nhiều nhất, nhưng mới chỉ có ở trên một số tuyến quốc lộ, không có trên đường địa phương.

 

Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là phù hợp để hình thành vốn cho Quỹ bảo trì đường bộ; đáp ứng cho nhu cầu bảo trì đường bộ là cần thiết, là đòi hỏi khách quan và cũng để bảo đảm sự công bằng trong xã hội và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

 

Xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách Nhà nước

 

Ngày 13/3/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ (theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012. Trong đó, quy định việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thay thế cho hình thức thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa đảm bảo nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lùi thời gian thu phí 07 tháng và bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện từ ngày 01/01/2013.

 

Triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải đã lập đề án, học tập và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có điều kiện quản lý, khai thác đường bộ gần tương tự như ở Việt Nam và đề xuất các phương án thu phí phù hợp.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thu, nộp và quản lý phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Do phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Thông tư khá rộng (khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô), cơ quan soạn thảo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề cơ bản của dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trên website của Bộ Tài chính… Cơ quan soạn thảo đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Một số ý kiến khác tập trung vào nội dung cụ thể như: về mức thu; về miễn, giảm phí; về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được...

 

Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ  Giao thông vận tải sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

 

Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, tiến độ xây dựng và ban hành Thông tư này không ảnh hưởng tới việc thu phí phục vụ Quỹ bảo trì đường bộ từ ngày 01/01/2013.

 

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ” với mục tiêu chuyển đổi phương thức thực hiện công tác duy tu, quản lý, bảo trì đường theo định hướng xã hội hoá, thông qua đấu thầu cạnh tranh minh bạch và đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích. Đây được hy vọng sẽ là những bước đột phá đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống đường bộ quốc gia trong thời gian tới.

 

Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Văn bản số 9369/BGTVT-TC về xử lý, sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ. Trong đó, đề xuất xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc; các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn đến hết thời hạn hợp đồng sẽ xoá.