Sống gần trung tâm thành phố vẫn "khát" nước

09:18, 18/12/2012

Tắm, giặt ngoài sông, lọc nước sông qua…ao, ruộng để có nước sinh hoạt hoặc đi hàng cây số xin từng can nước về nấu ăn…đó là những gì chúng tôi được chứng  kiến khi đến xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), một xã chỉ cách Trung tâm T.P Thái Nguyên khoảng 3km và có dòng sông Cầu chảy qua quanh năm.

Ông Đặng Đình Trân, Bí thư Chi bộ xóm Đảng cho biết: Toàn xóm hiện có 72 hộ thì trên 50% số hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Trong xóm, nhà nào may mắn lắm mới khoan giếng được trúng mạch nước ngầm, nhưng cũng phải dùng rất tiết kiệm mới không phải đi xin nước vào mùa khô. Cả xóm chưa đầy 100 hộ nhưng có đến hơn 100 cái giếng khoan, giếng đào mà vẫn chịu cảnh “khát” bởi có nhà khoan, đào đến cả chục cái giếng, tốn rất nhiều tiền của nhưng không có nước.

 

Chúng tôi đến nhà Anh Đặng Đình Trường, một người dân trong xóm đúng lúc anh đang chuẩn bị mang can đi xin nước, biết chúng tôi đến tìm hiểu vể tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở đây, anh Trường liền đưa chúng tôi đi xem mấy chiếc giếng khô cạn của gia đình và cho biết: Tôi đã khoan, đào 7 cái giếng, có những cái sâu đến 60m mà vẫn không có nước. Hiện nay, mỗi ngày tôi phải xin khoảng 30 can nước ở nhà khác về để cả gia đình sinh hoạt.

 

Rời xóm Đảng, chúng tôi sang xóm Trám, đây là xóm nằm ở ven sông Cầu nhưng lượng nước sinh hoạt của nhân dân trong xóm cũng không khả quan hơn những xóm khác. Hầu như đến nhà nào chúng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều xô, chậu để tích trữ nước. Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân trong xóm cho biết: Mùa này, phần lớn chị em trong xóm đều mang quần áo ra sông Cầu giặt, biết là làm như vậy sẽ có nguy cơ mắc bệnh phụ khoa cao nhưng chúng tôi đành phải làm thế vì nước giếng phải ưu tiên để nấu ăn.

 

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, ông Bằng cho biết: Huống Thượng có trên 1.400 hộ, chia thành 10 xóm thì có đến 80% số hộ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay, nguyên nhân là do mạch nước ngầm ở đây quá ít, nếu có cũng không đảm bảo vệ sinh (điển hình là ở xóm Cậy, xóm này có nước nhưng lại không dùng được bởi nước rất đục hoặc có váng). Một số hộ ở gần sông thì khắc phục nước sinh hoạt bằng cách bơm nước sông vào đầy ao, ruộng để từ đó nước ngấm vào giếng. Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị về tình trạng này nhưng vẫn chưa được hồi âm.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đầu năm 2010, Trung tâm Nước sinh hoạt & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã về kiểm tra thực địa nguồn nước tại 7/10 xóm của xã để dự kiến xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân, nhưng từ đó đến nay người dân vẫn dài cổ chờ nước và dự án vẫn “án binh bất động”. Thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây, cứ đến hẹn lại “khát” và người dân đến hẹn lại lo.

 

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt của xã Huống Thượng, chúng tôi hy vọng người dân nơi đây sẽ sớm đước các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch.