Tấm lòng của một bác sĩ

10:43, 01/12/2012

Số bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn nên nhiều lúc thấy căng thẳng, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi một vài ngày, nhưng cứ nghĩ đến những bệnh nhân đang cần tư vấn, chia sẻ, chăm sóc thì tôi lại không đành lòng.

Đó là lời chia sẻ chân thành của bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng nhóm điều trị ngoại trú người lớn về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, Bệnh viện A Thái Nguyên. Năm 2004, phòng khám, tư vấn, xét nghiệm chăm sóc và điều trị cho người mắc căn bệnh thế kỷ được thành lập tại Bệnh viện. Từ đó đến nay, anh đã quen “đối mặt” với những bệnh nhân mang tâm trạng tuyệt vọng và gắn bó với họ như một định mệnh.

 

Hơn 8 năm qua, trực tiếp tư vấn, điều trị cho hàng nghìn người bị nhiễm HIV/AIDS, anh thông hiểu hoàn cảnh, tâm trạng từng bệnh nhân để từ đó có cách tư vấn đem lại niềm tin cho họ. Mỗi bệnh nhân sau khi được tư vấn, điều trị sức khỏe dần hồi phục, niềm vui, lòng yêu nghề trong anh lại được nhân lên. Anh nhớ lại: Năm 2009, bệnh nhân N.V.N (mới ngoài 20 tuổi, ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai) được người nhà đưa đến phòng khám trong tình trạng nguy kịch. Sau khi xét nghiệm khẩn cấp, chỉ số CD4 (một loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, có khả năng chống chọi với bệnh tật và nhiễm trùng của hệ miễn dịch có trong máu) của bệnh nhân chỉ còn 9 tế bào, khả năng sống rất thấp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tư vấn và lập phác đồ điều trị ARV cho N. mong “còn nước còn tát”.

 

Trong tháng đầu tiên điều trị, do khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh kém nên các bệnh nhiễm trùng cơ hội có biểu hiện lâm sàng ra ngoài (nấm họng, nấm thanh quản, suy kiệt... – đó là biểu hiện của bệnh AIDS giai đoạn 4). Chúng tôi phải hẹn bệnh nhân đến phòng khám hằng tuần để theo dõi, điều trị và dặn dò kỹ lưỡng. May sao bệnh nhân và người nhà cũng kiên trì và làm theo hướng dẫn. Sau hai tháng điều trị, sức khỏe của người bệnh đã dần hồi phục. Đến nay, anh N. vẫn khỏe mạnh và đều đặn đến phòng khám để kiểm tra, lấy thuốc ARV theo định kỳ.

 

Gặp chúng tôi, anh N. phấn khởi nói: Lúc đó, gia đình tôi đã đã mua sẵn áo quan về chuẩn bị lo hậu sự. Vậy mà, bác sĩ Tuấn và các bác sĩ ở đây đã tận tình cứu giúp, điều trị. Tôi như được sinh ra lần thứ hai vậy. Đã rất nhiều người có hoàn cảnh giống tôi đã tìm lại được cuộc sống từ phòng khám này.

 

Cùng nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng mỗi người đến đây có một hoàn cảnh khác nhau. Phần lớn là do tiêm chích ma túy, người thì lây từ vợ (chồng) nhưng cũng người do thiếu cảnh giác, bất cẩn mà trở thành nạn nhân của HIV/AIDS. Trường hợp của em N.T.H là một sự rủi ro đáng tiếc. Anh Tuấn cho biết: H mới 16 tuổi, đang là học sinh trung học. Trong một lần đi sinh nhật bạn, do vui quá uống rượu say mà bị “bạn trai” ép quan hệ. Sau đó, H. luôn sống trong tâm trạng lo lắng, bất an không thể tập trung học tập. H. tìm đến phòng khám trong tâm trạng cùng quẫn, không còn thiết sống nhất là sau khi được chúng tôi tư vấn xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính. Ngồi trước mặt tôi, em khóc rất nhiều và chỉ muốn tự tử. Hôm đó, tôi phải mất cả buổi để động viên, lấy lại niềm tin cho em. Cuối cùng em cũng đồng ý đến phòng khám để chúng tôi lập bệnh án để theo dõi điều trị. Gần đây, gia đình em đã chuyển đi nơi khác và không còn đến phòng khám nữa. Có lẽ, sự tự ti, mặc cảm vẫn còn trong em và những người thân trong gia đình. Đó cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở.

 

Chị Tr.T. H (phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên) tâm sự: Tôi phát hiện bị nhiễm HIV cách đây hơn một năm (sau khi chồng có kết quả dương tính với bệnh này). Đến đây, tôi được các bác sĩ hỏi thăm, chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Hiện, hai vợ chồng tôi không chỉ được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn được tư vấn cách phòng tránh cho các con tôi tại gia đình.

 

Được biết, trước khi trực tiếp làm tại phòng khám, anh Tuấn đã có nhiều năm tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS tại các trường học (trước năm 2004, anh là bác sĩ Trung tâm Da liễu chống Phong và AIDS của tỉnh; Phó khoa Da liễu, phụ trách phòng khám ngoại trú của Bệnh viện A Thái Nguyên, hiện kiêm nhiệm Trưởng nhóm điều trị ngoại trú người lớn HIV/AIDS). Do đó, anh gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS như một duyên nợ từ trước vậy.

 

Một trong những nguyên tắc khi tiếp xúc với bệnh nhân là phải đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội (đặc biệt là bệnh lao), nhưng anh đã không làm như vậy. Bởi theo anh, nếu bác sĩ tư vấn, điều trị HIV/AIDS mà phải “che mặt” sẽ tạo ra một khoảng cách với họ. Nhờ đó mà hằng trăm bệnh nhân đã gắn bó, tin tưởng với anh nhiều năm, coi bác sĩ như một người bạn “tri kỷ” để tâm sự, chia sẻ. Vì vậy mà anh chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ nghỉ làm ở phòng khám này. Anh không cho phép mình được “bỏ rơi” họ giữa đường. Anh thao thức, trăn trở cùng với nỗi đau của người bệnh, trở thành “phao cứu sinh”, tổng đài tư vấn của không ít người. Nhiều đêm anh không ngủ được mỗi khi nhận được điện thoại của bệnh nhân. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh các phòng khám ngoại trú người lớn ở tuyến huyện đã được mở ra nhưng số lượng bệnh nhân đến với phòng khám tại Bệnh viện A vẫn duy trì ở mức cao. Hiện nay, phòng khám ngoại trú đang trực tiếp theo dõi, điều trị cho 744 bệnh nhân HIV/AIDS. Trung bình, mỗi ngày phòng khám phải tiếp nhận, tư vấn cho khoảng 40 đến 50 trường hợp, có lúc cao điểm lên tới trên 100 người. Anh còn hỗ trợ tư vấn cho các phòng khám tuyến huyện đối với những trường hợp phức tạp. Số lượng, áp lực công việc lớn, nhưng điều khiến anh trăn trở nhất là đến thời điểm này, có gần 10 người đang điều trị phác đồ bậc 2 và có 1 trường hợp đã thất bại với phác đồ điều trị này. Trong khi phác đồ điều trị bậc 3 cho bệnh nhân AIDS chưa phổ biến ở Việt Nam. Do đó, mỗi bệnh nhân đều được phòng khám theo dõi rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, người nhiễm HV/AIDS đang được điều trị cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ, tránh để tình trạng vi rút kháng thuốc.

 

Được biết, đến thời điểm này, phần lớn các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng khám, tư vấn, xét nghiệm, điều trị ngoại trú cho người lớn, trẻ em, các bác sĩ phụ trách cũng là những người nhiệt tình, tâm huyết với người bệnh trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Đây là điểm tựa vững chắc là cứu cánh cho những người bệnh. “Tuy nhiên, để khống chế hoàn toàn “đại dịch” này, ngoài  sự quan tâm của các cấp bộ, ngành, địa phương thì cần lắm sự cộng tác tích cực của những người bệnh, sự chung tay của cả xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay”. Bác sĩ Tuấn nói.