Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tăng phí cũ, thu phí mới khiến doanh nghiệp và người dân thêm khó khăn chồng chất.
Phí chồng phí
Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết trong hoạt động logistics, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ tới 50 - 60%. So với nước ngoài, chi phí vận tải ô tô ở nước ta là quá cao. Ngoài lý do hệ thống giao thông đường bộ ở VN chất lượng kém, chưa kết nối đồng bộ thì ngành vận tải còn chịu quá nhiều loại phí và thuế. "Chúng tôi liệt kê có khoảng 15 loại phí và thuế phải nộp. Ngoài phí sử dụng đường bộ sắp thu, phương tiện giao thông đường bộ còn chịu mức phí rất cao của các trạm thu phí giao thông từ các dự án BOT. Phí này chiếm khoảng 20% chi phí của phương tiện vận tải hàng hóa. Đó là một khoản phí rất lớn đối với doanh nghiệp (DN) vận tải, giờ có thêm loại phí sử dụng đường bộ này nữa, thì có phải phí chồng phí hay không?", ông Hiền lo ngại.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cũng có cùng suy nghĩ như trên. Luật gia Đằng cho rằng theo lộ trình tăng phí tại các trạm thu phí đường bộ mà Chính phủ cho phép, mức tăng từ 1,5 - 3,5 lần là quá lớn, nảy sinh tình trạng phí chồng phí gây khó khăn cho DN, cuối cùng người dân phải gánh chịu. "Tôi cho rằng việc thu phí đường bộ qua phương tiện và tăng mức phí tại các trạm thu phí được thực hiện gấp gáp trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay là giải pháp không phù hợp. Người dân sẽ nghĩ rằng do ngân sách bị thất thoát nhiều nên đây là phương pháp tận thu, là phương pháp không hay, dễ giết chết sản xuất của DN, làm cho đời sống người dân thêm khổ”, ông Đằng quan ngại.
Ông Mai Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH OOLC Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế), cũng bày tỏ nỗi băn khoăn: “Trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, đặc điểm thị trường là cầu kém hơn cung thì việc đưa ra quyết sách như vậy (thu phí đường bộ qua đầu phương tiện từ ngày 1.1.2013, tăng phí tại các trạm…) là không phù hợp. Phí cao, khách hàng ngừng kinh doanh, hàng tồn kho nhiều, nợ ngân hàng… dẫn đến việc xe không vận chuyển hàng hóa, nền kinh tế bị thiệt hại nặng hơn. Tóm lại, vấn đề là thu phí không đúng thời điểm”.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trong mức phí tại các trạm thu phí BOT đã có khoản phí bảo trì công trình đường bộ. Nếu nhà nước tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện thì khi xe đi qua các trạm thu phí này sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí.
Không hợp lý
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết ngày 3.12, đại diện cho hàng trăm DN, hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, phản ánh hàng loạt khó khăn của DN vận tải khi triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ. Lý do là trước đó, ngày 15.11, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về thu phí sử dụng đường bộ với quá nhiều nội dung không phù hợp với thực tế, khiến các DN vận tải sẽ gặp nhiều khó khăn khi việc thu phí chính thức áp dụng từ ngày 1.1.2013.
Đơn cử như quy định về đối tượng thu phí đối với xe ô tô gồm: “máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo”. Như vậy, quy định trên đã tách một xe tổ hợp đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc thành 2 “đối tượng chịu phí”. Nghĩa là, các DN vận tải bị “thu phí kép” hai lần trên một phương tiện. Bởi xe đầu kéo là loại xe chuyên dụng, có kéo theo sơ mi rơ moóc mới trở thành tổ hợp để vận chuyển hàng hóa. Bản thân sơ mi rơ moóc không gắn động cơ, không thể tự hành trên đường. Mỗi đầu kéo cũng chỉ kéo theo được một sơ mi rơ moóc. Do đó, không thể tách riêng xe chuyên dụng này thành hai lần thu riêng biệt được.
Một bất hợp lý nữa là quy định trường hợp xe không sử dụng vẫn phải đóng phí. Cụ thể, xe bị tịch thu, tạm giữ dưới 29 ngày; xe dừng do thiên tai, dịch họa; tạm dừng do không hàng; thiếu lái xe chưa tuyển dụng kịp; xe dừng để duy tu, bảo dưỡng; DN tạm dừng hoạt động... cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ. Điều này mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí "phí là khoản tiền mình phải trả cho một loại hình dịch vụ mình được hưởng, người nào sử dụng dịch vụ nhiều đóng phí nhiều, người nào sử dụng dịch vụ ít thì đóng ít, không sử dụng dịch vụ thì không phải đóng phí".
Ngoài ra, quy định “phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe” sẽ đẩy DN đến chỗ dễ mất khả năng hoạt động. Điều này có nghĩa là DN phải nộp phí trước cho nhà nước rồi mới sử dụng dịch vụ sau.