Mặc dù thời gian triển khai khá gấp, điều kiện thời tiết có ảnh hưởng xấu, song việc chốt chỉ số công tơ đo đếm điện để thực hiện giá bán điện mới đã được Công ty Điện lực Thái Nguyên triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Việc giá điện tăng lần này không lớn, mức độ ảnh hưởng cho người sử dụng điện không nhiều, nên dư luận đã không bị “nóng” lên.
Trong ngày 22/12, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã hoàn thành việc chốt chỉ số công tơ, thực hiện việc điều chỉnh tăng giá điện mới. Trong ảnh: Chốt chỉ số công tơ tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1. |
Bắt đầu từ ngày 22/12, giá bán điện tại tất cả các khu vực (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp…) đều tăng 5% theo quy định mới. Từ mức giá bình quân trước đây là 1.369 đồng/kwh điện nay tăng lên 1.437 đồng/kwh điện (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, đối với giá bán điện sinh hoạt thì vẫn giữ nguyên mức giá bán cho các đối tượng là hộ nghèo sử dụng điện dưới 50 kwh và hộ thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kwh. Việc điều chỉnh giá điện tăng 5% vào thời điểm này được xem là khá nhạy cảm bởi đây là lúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tính toán, cân đối của Chính phủ và Bộ Công Thương thì giá điện điều chỉnh tăng lần này thực sự không nhiều, mức độ ảnh hưởng cũng không lớn. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một số đơn vị sản xuất công nghiệp có phụ tải lớn trong tỉnh thì được biết, nếu tính theo giá mới thì mức chi phí trung bình mỗi tháng của các đơn vị này cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 28 triệu kwh điện với số tiền phải chi khoảng trên 34 tỷ đồng. Nếu áp theo giá mới thì số tiền sẽ tăng thêm khoảng trên 1 tỷ đồng. Với Công ty CP xi măng Quang Sơn và Công ty CP Xi măng La Hiên, mỗi đơn vị tiêu thụ điện năng trung bình một tháng là khoảng 6 triệu kwh, tương đương với số tiền khoảng 7 đến 8 tỷ đồng. Sau khi áp giá bán điện mới, mỗi đơn vị chỉ tăng thêm khoảng trên 300 triệu đồng tiền điện. Đấy là chưa kể, trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã tập trung sản xuất vào các giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau) hoặc giờ bình thường để hưởng mức giá điện thấp nhất. Như vậy, so với một đơn vị sản xuất phải chi trả hàng chục tỷ đồng tiền điện mỗi tháng thì việc tăng giá bán điện như hiện tại không phải là vấn đề quá lớn và có thể chấp nhận được. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các đơn vị này đều tỏ vẻ bình thản và cho rằng việc tăng giá điện không thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Tất nhiên, các đơn vị cũng cho rằng trong lúc khó khăn hiện nay, ngành Điện cũng nên xem xét điều chỉnh thời gian thu tiền điện sao cho hợp lý, giúp doanh nghiệp có điều kiện duy trì, ổn định sản xuất.
Đối với khu vực điện sinh hoạt, việc tăng giá cũng có tác động nhất định, nhưng đa phần người dân đều không có ý kiến phản ứng gay gắt. Bởi nếu trung bình mỗi tháng, mỗi hộ sử dụng điện hết khoảng 400 nghìn đồng thì khi tăng giá, mỗi tháng, hộ gia đình đó phải trả thêm khoảng 20 nghìn đồng. Qua 3 ngày triển khai trên địa bàn, theo ghi nhận của chúng tôi, cơ bản người sử dụng điện đã thông cảm và thấu hiểu với quyết định điều chỉnh giá điện của Chính phủ, Bộ Công Thương. Bởi thực tế, giá điện của chúng ta vẫn đang thấp hơn rất nhiều giá điện của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế thì ngành Điện đang mua điện từ Trung Quốc cũng như một số đơn vị trong nước với giá khá cao và chấp nhận bán điện giá thấp, chịu lỗ để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Mặc dù Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, đóng góp một lượng đáng kể vào lưới điện Quốc gia, song theo dự báo tăng trưởng năm 2013 thì cơ bản nguồn điện của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Được biết, thực hiện Thông tư số 38/2012/TT-BCT ngày 20/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện, Tập đoàn Điện lực đã triển khai đến các đơn vị thành viên và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo quy định. Một trong những yêu cầu của Tập đoàn là phải hoàn thành chốt chỉ số trong ngày 22/12. Mặc dù 9 giờ sáng ngày 21/12, Công ty Điện lực Thái Nguyên mới nhận được văn bản chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, song với sự quyết liệt, nhanh nhạy của mình, chỉ trong một ngày, 45 nghìn biên bản về chốt chỉ số đã được Công ty in ấn; các phương án thực hiện cũng đã hoàn tất trong ngày. Ngày 21/12, mọi thông tin về việc thay đổi giá điện và chốt chỉ số công tơ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Ở cấp huyện, tính đến 15 giờ cùng ngày, các Điện lực đã có văn bản thông báo đến người sử dụng điện trên địa bàn. Ông Trần Hồ Nam, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: Tuy thời gian triển khai ngắn, lại đúng vào thời điểm ngành Điện đang tập trung đôn đốc thu nợ tiền điện tháng 11 và rà soát hành lang an toàn lưới điện dịp cuối năm, nhưng chúng tôi đã cố gắng thực hiện theo tiến độ đề ra và đảm bảo tính chính xác cao. Bắt đầu tư 0 giờ đến 18 giờ ngày 22/12, tất cả 20.519 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh (trừ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt) đã được chốt chỉ số công tơ. Như vậy, việc triển khai giá bán điện mới theo Thông tư 38 của Bộ Công Thương đã được Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện đạt kết quả.