Ngày 18/12, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo "Định hướng hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus tại Việt Nam" với sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực dự phòng, điều trị...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bệnh viêm gan virus là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của các bệnh nhiễm trùng trên thế giới. Bệnh để lại các hậu quả nghiêm trọng là xơ gan và ung thư gan.
Hiện nay, có 90% dân số trên thế giới sống trong khu vực có lưu hành virus viêm gan, tập trung chủ yếu ở các khu vực châu Á, Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu, các nước khu vực Trung và Nam Mỹ.
Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 2 tỷ người bị nhiễm virus viêm gan B, khoảng 150 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Bệnh viêm gan do virus viêm gan B, C gây ra 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới, hàng năm có khoảng 1 triệu người tử vong do nhiễm virus viêm gan B, C. Việt Nam là nước nằm trong khu vực lưu hành virus viêm gan khá cao, đặc biệt là hai chủng virus viêm gan B, C.
Tiến sỹ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, theo kết quả của một số nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B của một số địa phương khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở người khoẻ chiếm 8-25%, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C chiếm 0,4-4,1% dân số tại cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các virus viêm gan A, D, E đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng. Như vậy, bệnh do viêm gan virus đang thực sự là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo tiến sỹ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam, triệu chứng viêm gan virus thường mờ nhạt, khó phát hiện ở giai đoạn đầu và chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang mãn tính. Nhận thức được sự nguy hiểm của virus viêm gan đối với sức khỏe người dân, đặc biệt đối với sức khỏe trẻ em, Chính phủ Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã phát động phong trào "Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan" cùng với nhiều chương trình, biện pháp phòng chống viêm gan virus.
Từ năm 1992, Bộ Y tế đã đưa việc xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B, C trong an toàn truyền máu; đưa vắcxin viêm gan B vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi (năm 1997) và hoạt động giám sát viêm gan virus tại cộng đồng đã được đưa vào danh mục các bệnh phải giám sát thường xuyên và báo cáo định kỳ; đồng thời, công tác điều trị, tuyên truyền về phòng chống bệnh viêm gan virus thường xuyên được thực hiện và cập nhật.
Theo tiến sỹ Đinh Quý Lan, công tác phòng chống bệnh viêm gan virus tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động phòng chống viêm gan virus mới được lồng ghép với phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung và kế hoạch dài hạn, đặc thù; chưa có hướng dẫn giám sát cụ thể cũng như phân loại các chủng virus gây bệnh và tình trạng mắc viêm gan virus thực tế tại cộng đồng.
Đặc biệt, công tác tiêm phòng vắc xin viêm gan B chỉ tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 1 tuổi, việc tiêm vắcxin liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đạt tỷ lệ rất thấp khoảng 25%. Trong khi đó 90% số trẻ bị lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong thời kỳ chu sinh (bắt đầu từ lúc mang thai cho đến năm đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra); việc tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho các đối tượng có nguy cơ cao, nhất là đối với người trưởng thành còn chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh viêm gan virus mới chỉ được lồng ghép vào các hoạt động truyền thông khác, chưa có các chiến dịch tương xứng với tác hại của bệnh viêm gan virus tại cộng đồng.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày (18-19/12) với nhiều báo cáo tập trung vào các vấn đề như công tác điều trị viêm gan virus tại Việt Nam, xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus và an toàn truyền máu, tình hình đồng nhiễm viêm gan virus trong đối tượng nhiễm HIV, năng lực xét nghiệm viêm gan virus tại Việt Nam.