“Cánh tay nối dài” của ngành Y tế

09:17, 22/01/2013

Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh…, lực lượng y tế thôn bản là “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở. Nhân viên y tế thôn bản có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Những năm qua, đội ngũ gần 3 nghìn y tế thôn bản trong tỉnh đã góp phần tích cực giúp y tế cơ sở và ngành Y tế đạt được những kết quả cao.

16 năm làm công tác y tế thôn bản, chị Lê Thị Thơ Hằng, ở xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) không hề quên những khó khăn, vất vả trong những năm đầu tham gia công tác này. Năm 1997, chị Hằng được cử làm công tác y tế thôn bản với khoản tiển hỗ trợ 40 nghìn đồng/tháng. Con nhỏ, kinh tế gia đình eo hẹp, đường sá đi lại khó khăn cũng không cản được chị hoàn thành xuất sắc khóa bồi dưỡng đầu tiên của tỉnh dành cho y tế thôn bản trong thời gian 3 tháng. “Học y và được chăm sóc sức khỏe cho mọi người là mơ ước của tôi khi còn nhỏ và được thực hiện ước mơ đó với tôi là niềm vui không tả xiết. Chính vì thế, dù khó khăn tôi vẫn muốn được làm y tế thôn bản” - Chị Hằng chia sẻ.

 

Từ lớp học trở về, chị Hằng nhận nhiệm vụ do Trạm Y tế xã Hợp Tiến phân công tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ cho người dân; vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung. Với những hộ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng và phụ nữ mang thai, chị Hằng dành thời gian đến tận nhà tuyên truyền về lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dinh dưỡng cho trẻ, vận động phụ nữ mang thai tới sinh con tại Trạm Y tế… Với người cao tuổi, chị Hằng cũng trở thành người tư vấn sức khỏe thường xuyên của họ. Ngoài ra, chị Hằng còn tham gia sơ, cấp cứu ban đầu cho nhiều trường hợp người dân không may bị chấn thương, bị đột quỵ do sức khỏe yếu… Sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị đã góp phần đem lại kết quả thiết thực khi 16 năm qua, xóm Hữu Nghị không có dịch bệnh lớn nhỏ nào xảy ra, 100% trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ mang thai được tiêm phòng đầy đủ, trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 1 cháu… Cụ Phan Thị Ve, 94 tuổi, là người cao tuổi nhất xóm Hữu Nghị nhưng cụ vẫn tự mình đi chợ cách nhà hơn 1 km. Cụ bảo: “Cụ khỏe được như vậy là nhờ chị Hằng y tế thôn bản. Hơn 10 năm nay, chị Hằng dành nhiều thời gian thăm khám sức khỏe và hướng dẫn cụ chăm sóc sức khỏe bản thân”.

 

Cũng giống như chị Hằng, chị Nguyễn Thị Phương, y tế thôn bản xóm Làng Chủng, xã Trung Hội (Định Hóa) tham gia công tác y tế thôn bản từ năm 2007. Chị tâm sự: Mặc dù tiền hỗ trợ cho y tế thôn bản những năm trước đây rất thấp nhưng trách nhiệm với sự tín nhiệm của bà con, mình vẫn làm việc hết mình, thường xuyên đến tận các gia đình để truyền thông, giáo dục, thăm khám sức khỏe cho người dân, tư vấn kịp thời cho người dân đến Trạm Y tế xã, Bệnh viện huyện khám và điều trị bệnh. Chị chia sẻ: “Thấy xóm mình không có dịch bệnh, người dân sống khỏe mạnh là mình quên hết những khó khăn và hăng say làm việc hơn”


Bác sĩ Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Hội cho biết, nhân viên y tế thôn bản có nhiệm vụ tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng như: Phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại thôn, bản, tham gia giám sát chất lượng nước, các công trình vệ sinh hộ gia đình, nơi công cộng... Ngoài ra, nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số bệnh thông thường...

 

Toàn xã Trung Hội hiện có 19 nhân viên y tế thôn bản ở 19 xóm, bản. Bác sĩ Hoan đánh giá cao hoạt động hiệu quả của các y tế thôn bản đã góp phần tích cực vào kết quả công tác y tế, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã. Đặc biệt, nhờ sự tuyên truyền của y tế thôn bản, trong nhiều năm gần đây, lượng người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm vẫn luôn duy trì ở mức cao với tần suất khoảng trên dưới 1 lần/người/năm. Riêng năm 2012, Trạm thực hiện khám, chữa bệnh cho 4,5 nghìn lượt người dân đạt tỷ lệ trên 1 lần/người/năm; tỷ lệ trẻ được tiêm chủng, được uống vitamin A đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 21,6%...

 

 

Riêng với Hợp Tiến (Đồng Hỷ), bác sĩ Triệu Như Lâm, Trạm Trưởng Trạm Y tế Hợp Tiến cho biết, toàn xã Hợp Tiến hiện có 11 y tế thôn bản. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, nắm tình hình dịch bệnh trong xóm, bản và thường xuyên thông tin hai chiều với Trạm Y tế về dịch bệnh, y tế thôn bản cũng chính là những cộng tác viên dân số đắc lực, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho những người trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi; tuyên truyền bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan... Hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản đã giúp cho tỷ lệ trẻ trong độ tuổi và phụ nữ mang thai tiêm phòng đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm trung bình mỗi năm gần 1,5%… Đặc biệt, nhiều năm qua, trên địa bàn Hợp Tiến không có dịch lớn nhỏ xảy ra.

 

Đánh giá về đội ngũ y tế thôn bản, bác sĩ Hồ Sĩ Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho rằng, cán bộ y tế thôn bản thực sự là “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở bởi đây là những người làm công tác y tế gần gũi dân nhất. Nhờ có sự tham gia hiệu quả của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản nên một số chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các dịch bệnh lây lan nguy hiểm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế… đều đạt kết quả cao, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện được khống chế. Bác sĩ Hoài chia sẻ: “Cùng với các địa phương khác, thực hiện chỉ đạo của ngành, chúng tôi sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường hỗ trợ để đội ngũ y tế thôn bản không chỉ là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế mà còn là người đồng hành cùng người dân địa phương” trong nhiều chương trình khác,  mang lại những hiệu quả thiết thực…”.