Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động của Việt Nam trong năm 2012. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2013 sẽ đánh dấu bước ngoặt mới với nhiều đơn hàng lao động trẻ tay nghề cao.
Điều dưỡng viên, hộ lý đắt hàng
Ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay: “Mới đây, Nhật Bản thông báo năm 2013 - 2014 sẽ tiếp nhận 180 ứng viên và hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tiếng Nhật để đưa sang Nhật Bản vào mùa xuân 2015. Hiện tại, Nhật Bản đang thiếu hụt thường xuyên khoảng 50.000 điều dưỡng viên. Trong tình hình này, phía Nhật Bản kỳ vọng rất nhiều vào các ứng viên hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam”.
Theo ông Yumi Nouyki, đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, trong vòng 10 năm tới, ước tính Nhật Bản sẽ cần từ 400.000 - 600.000 hộ lý chăm sóc người cao tuổi. “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy chương trình đào tạo của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu cần thiết của Nhật Bản. Vì vậy, trong 10 năm tới, đây là cơ hội việc làm cho các bạn trẻ Việt Nam có tuổi đời dưới 35. Mức lương trong thời gian học việc là 130.000 - 140.000 yen/tháng (tương đương 30 - 32 triệu đồng/tháng). Ứng viên hộ lý khoảng 140.000 - 150.000 yen/tháng (tương đương 32 - 34 triệu đồng/tháng)”, ông Yumi Nouyki cho hay.
Ngoài Nhật Bản, CHLB Đức cũng có nhu cầu đặt hàng tuyển điều dưỡng viên Việt Nam trong năm nay. “Bộ Kinh tế Đức và Bộ LĐ-TB-XH đã đàm phán chương trình này. Trước mắt, trong năm nay sẽ tuyển dụng thí điểm. Về thời gian và chi tiết chỉ tiêu, thông tin tuyển dụng chúng tôi sẽ thông báo sau”, ông Lê Văn Thanh nói.
Thêm một tin vui cho những bạn trẻ đang theo học ngành nghề điều dưỡng viên, hộ lý, những ngày đầu năm 2013, Ả Rập Xê út và Phần Lan cũng có ý hợp tác, tuyển điều dưỡng viên có trình độ CĐ, ĐH của Việt Nam. Ông Lê Văn Thanh bày tỏ: “Các nước phát triển tốc độ già hóa dân số nhanh. Nhu cầu chăm sóc người già ngày càng tăng lên, còn nhân viên chăm sóc giảm đi. Trong đó, số lượng sinh viên học CĐ, ĐH chuyên ngành điều dưỡng viên, hộ lý ở Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh. Tại các bệnh viện, biên chế tuyển dụng điều dưỡng viên, hộ lý không nhiều, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Nếu biết tận dụng cơ hội xuất khẩu lao động (XKLĐ), sẽ đỡ lãng phí đào tạo trong nước”.
Lao động có nghề lên ngôi
Mục tiêu của Việt Nam năm 2013 đến 2015 là mỗi năm sẽ đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cái thiếu hiện nay chính là quảng bá hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài còn quá ít. Theo ông Lê Văn Thanh, từ mô hình điều dưỡng viên Nhật Bản, tiến tới sẽ nhân rộng ra nhiều nước. Đặc biệt, bước ngoặt trong XKLĐ 2013 là chú trọng vào lao động chất lượng cao, có tay nghề trình độ CĐ, ĐH, phù hợp với các thị trường có thu nhập tốt như: Đức, Nhật Bản, Úc… Ông Thanh chia sẻ: “Lâu nay, một số nước có nhu cầu tiếp nhận kỹ sư, nhưng kỹ sư của ta thường yếu ngoại ngữ nên chỉ sang làm công nhân. Tới đây chúng ta sẽ phát triển, đào tạo xuất khẩu kỹ sư tay nghề cao. Điều quan trọng, ngoài được nâng cao tay nghề, lao động còn nhận được chế độ lương bổng tương xứng. Đơn cử như lao động nghề hàn 3G, vừa thí điểm sang thị trường Đức có thể nhận được mức lương tới 2.000 USD/tháng (tương đương 40 triệu đồng/tháng)”. Ngoài ra, thị trường Qatar trong thời gian tới cũng sẽ tăng mạnh nhu cầu về lao động chuẩn bị cho xây dựng World Cup 2022. Hiện Qatar đang thúc đẩy xây dựng cơ sở đào tạo XKLĐ tại Việt Nam.
Về xu hướng ngành nghề xuất khẩu trong năm nay và năm tiếp theo, ông Lê Văn Thanh nhận định ngoài điều dưỡng viên, hộ lý, tới đây những lao động có tay nghề cao trong ngành hàn, kỹ sư xây dựng… sẽ được tuyển dụng nhiều. “Trong khi thất nghiệp trong nước đang gia tăng, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nếu chúng ta tận dụng nguồn lực đội ngũ sinh viên đã được đào tạo CĐ, ĐH 3 đến 4 năm, chỉ cần nâng cao chất lượng ngoại ngữ là có thể đảm bảo tiêu chuẩn để XKLĐ. Đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, ở một số ngành nghề, chuyên môn cơ bản của sinh viên Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phía bạn, cái thiếu hiện nay chỉ là ngoại ngữ. Do đó, tới đây cần tăng cường công tác đào tạo ngoại ngữ cho người lao động”, ông Thanh nói.