Để xã hội hóa y tế không còn là gánh nặng của người bệnh

11:39, 06/01/2013

Xã hội hóa y tế là chủ trương hoàn toàn đúng và đã giúp ngành Y tế phát triển, thế nhưng, ở đâu đó chủ trương này đang bị biến tướng. Hệ quả cuối cùng là người bệnh đang phải gồng mình vì gánh thêm những khoản chi phí không đáng có.  

 

Lạm dụng các xét nghiệm, siêu âm để tận thu

 

Ông Trần Văn Lâm ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết, mấy hôm trước, người nhà ông bị đau bụng thông thường nhưng khi vào bệnh viện khám, các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu, làm siêu âm, sau đó phải chụp CT ổ bụng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và nhiều xét nghiệm sinh hóa khác với tổng số tiền lên tới gần 2 triệu đồng. Cuối cùng, bác sỹ kết luận là đau bụng do nghi ngờ ngộ độc thức ăn.

 

Quả thực, trường hợp của ông Lâm chỉ là một trong rất nhiều người bệnh khi tới bệnh viện khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, siêu âm, X-quang… mà trong đó có nhiều công đoạn chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh. Thậm chí, không ít trường hợp, người bệnh chỉ bị cảm sốt, nhức đầu thông thường vẫn bị bác sĩ bắt đi làm xét nghiệm nước tiểu hay điện tim.

 

Lãnh đạo Hội Kinh tế y tế Việt Nam cho biết, các đợt kiểm tra của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa qua cho thấy hầu hết các bệnh viện đều có tình trạng chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật một cách thái quá, bất hợp lý, nhất là các dịch vụ đắt tiền được đầu tư từ nguồn xã hội hóa (XHH). Điển hình như tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp ở một tỉnh miền Bắc, trong 2.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký/năm thì có tới 1.000 lượt siêu âm tim, trong khi đây không phải là một chỉ định đại trà. Bệnh nhân chỉ được siêu âm khi có những nghi ngờ về bệnh lý tim mạch.

 

Lý giải nguyên nhân này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng do nhiều bệnh viện đầu tư máy móc hiện đại theo phương thức XHH nên đã tăng cường chỉ định sử dụng để thu hồi vốn nhanh. Và như thế, cuối cùng gánh nặng chi phí y tế sẽ đặt lên vai người bệnh.

 

Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối, máy được đầu tư từ nguồn XHH đều rất phổ biến. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), nhiều khoa có tới 50% - 100% sử dụng trang thiết bị từ nguồn XHH. BV Việt Đức (Hà Nội) hiện cũng có khoảng 160 tỉ đồng từ nguồn đầu tư XHH cho các loại máy đang hoạt động. Tại BV K, cả 2 máy chụp CT đều được đầu tư từ nguồn XHH.

 

Một số chuyên gia cho rằng chủ trương XHH là hoàn toàn đúng, thế nhưng, ở đâu đó chủ trương này đang bị biến tướng. Với các máy XHH phần lớn sau 5 năm sẽ hết khấu hao nên dễ xảy ra tình trạng khoán xét nghiệm, khoán chụp chiếu để sớm thu hồi vốn. Đây cũng là lý do tại sao các nhà đầu tư thường chọn những BV lớn, nơi thường xuyên quá tải để đặt các thiết bị đắt tiền.

 

Công - tư lẫn lộn

 

Tại Hội nghị về tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế y tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng đã mổ xẻ vấn đề việc tư nhân hóa cung ứng dịch vụ y tế ở các bệnh viện công đang thúc đẩy rất lớn việc chi trả trực tiếp tiền từ túi người bệnh.

 

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), xã hội hóa y tế đã giúp ngành y tế phát triển, đến năm 2011 đã có khoảng 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 bệnh viện tư nhân hoạt động. Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân. Trong các bệnh viện công, đã ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện”, “chất lượng cao”. Ông Tuấn cho rằng, các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, phẫu thuật viên, tránh phiền hà, giảm chờ đợi và đặc biệt là không phải đưa “phí ngầm”, “phong bì”.

 

“Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ đáp ứng người có khả năng chi trả. Thực chất đây là hình thức dịch vụ của tư nhân trong bệnh viện công. Do vậy, các “khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu” hay “tự nguyện” dễ trở thành “sân sau” của chính các bệnh viện công, dẫn đến tiêu cực trong sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư. Hơn nữa, việc tăng thu nhập của bệnh viện bằng việc mở rộng các “dịch vụ theo yêu cầu”, “dịch vụ chất lượng cao” trong quá trình tự chủ nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng nguồn chi trả trực tiếp, lạm dụng dịch vụ…” - ông Tuấn lo ngại.

 

Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Kinh tế y tế cho rằng nên có cơ chế tách bạch để người dân không bị phân biệt đối xử ngay trong môi trường bệnh viện. Tự chủ tài chính trong bệnh viện cần minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ cần rạch ròi công - tư, khuyến khích xã hội hóa y tế nhưng phải “ngoài khuôn viên” của bệnh viện công.

 

Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến đã chỉ rõ mặt trái của xã hội hóa y tế đó là lạm dụng dịch vụ để tận thu, như tăng chỉ định sử dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao; tăng nhập viện điều trị nội trú để tăng thu, sử dụng thuốc không hợp lý, kéo dài thời gian điều trị; mở ra các khoa tự nguyện nên phải san bớt bác sĩ, y tá, giường bệnh. Điều tất yếu là làm suy giảm chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT cũng như bệnh nhân nghèo.

 

Thiết nghĩ, khi có bệnh thì người bệnh thường đặt tất cả niềm tin, sức khỏe của mình lên vai người thầy thuốc, trông chờ vào tay nghề, chẩn đoán bệnh của thầy thuốc. Vì thế, thầy thuốc cũng nên bằng trách nhiệm, bằng cái tâm, cái đức của mình để chữa trị cho bệnh nhân, đừng đặt gánh nặng lên vai người bệnh bằng quá nhiều những siêu âm, xét nghiệm không đáng có.