Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động mất quyền lợi

10:16, 04/01/2013

Trên 40 tỷ đồng là số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của gần 300 đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn toàn tỉnh còn nợ tiền chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH). Nợ BHXH (bao gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) đồng nghĩa với việc các chế độ, quyền lợi của nguời lao động đang bị thiệt hại; quỹ BHXH, nhất là quỹ chi trả khám, chữa bệnh sẽ bội chi.  Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chịu ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, nên các DN làm ăn thua lỗ.

Nợ chồng nợ

Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên (từ tháng 9/2009 chuyển đổi thành Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn) nợ tiền BHXH từ tháng 1/2007 đến nay là trên 922 triệu đồng, chính vì vậy nhiều lao động của đơn vị từ đó đến nay chưa được thanh toán các khoản chế độ ốm đau, thai sản, một số người lao động đến tuổi cũng “không nghỉ hưu được”, do chưa thể chốt sổ BHXH. Điển hình như trường hợp ông Dương Thế Huấn, nguyên là Giám đốc Công ty, đến tháng 8/2010, ông đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng do DN mới nộp BHXH đến tháng 12-2006, nên không thể chốt sổ để giải quyết chế độ hưu cho ông Huấn được. Còn đối với chị Nguyễn Thị Hằng, thường trú tại số nhà 113, đường Thống Nhất (T.X Sông Công) là công nhân Nhà máy Kết cấu thép Sông Công (thuộc Công ty cổ phần Kết cấu thép xây dựng Hà Nội), khi nghỉ chế độ thai sản từ tháng 6/2012 đến hết tháng 9/2012 vẫn chưa được hưởng lương và các chế độ BHXH, nguyên nhân do Nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cũng trong thời gian này, chồng chị bị tai nạn lao động nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bản thân chị phải vay mượn tiền để lo viện phí, thuốc điều trị cho chồng cũng như trang trải cuộc sống hằng ngày. Được biết, đơn vị này còn nợ tiền BHXH từ tháng 3/2012 đến nay với số tiền trên 840 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc người lao động trong đơn vị bị thiệt hại về quyền lợi chế độ BHXH. Với một số đơn vị khác như: Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Xanh, nằm trong Khu công nghiệp Sông Công, nợ BHXH kéo dài từ tháng 3/2010 đến nay với trên 360 triệu đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, có địa chỉ tại T.P Thái Nguyên, nợ BHXH từ tháng 5/2011 đến nay với trên 487 triệu đồng…

 

Thắng kiện vẫn khó thu

 

Do tình trạng một số đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài, khó đòi và vi phạm các quy định quản lý thu BHXH, dẫn đến cơ quan BHXH phải đưa ra Toà án để xét xử. Tuy nhiên khi cơ quan BHXH thắng kiện thì vẫn khó đòi.

 

 Điển hình như vụ việc năm 2012, BHXH thị xã Sông Công đã phải khởi kiện Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Xanh (Công ty Sao Xanh) vì nợ BHXH 34 tháng (từ  đầu năm 2010 đến hết năm 2012), với số tiền trên 360 triệu đồng. Mặc dù Toà án đã tuyên phía Công ty Sao Xanh phải nộp số tiền như trên và chịu toàn bộ án phí… nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không thể thi hành án, vì DN không có tiến. Tương tự như trường hợp Công ty Sao Xanh, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Việt Thắng (Công ty Việt Thắng) có địa chỉ tại thị trấn Ba Hàng huyện Phổ Yên, đã nợ BHXH từ tháng 3/2011 đến tháng 12-2012 trên 336 triệu đồng, mặc dù cơ quan BHXH đã nhiều lần đến làm việc và đôn đốc thu nợ, nhưng đều không thu được. Cuối cùng BHXH huyện Phổ Yên đã phải gửi hồ sơ khởi kiện ra toà.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc BHXH thị xã Sông Công tâm sự: “Quá trình đôn đốc, thu nợ BHXH gặp nhiều khó khăn, có một số DN gần như bất hợp tác với cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH hẹn đến làm việc thì lãnh đạo DN đều đi công tác vắng, nhất là các DN có chi nhánh tại địa phương, còn cơ quan chủ quản thì ở tỉnh khác. Nhiều chuyến công tác đến DN, chúng tôi chỉ gặp quản đốc phụ trách kỹ thuật, hoặc có DN thì chỉ còn có bảo vệ được giao nhiệm vụ trông coi tài sản. Cũng có những trường hợp chuẩn bị khởi kiện thì tài sản của DN đã bị thế chấp trong ngân hàng hoặc bị thu nợ… nên thi hành án gần như không thể thực hiện được, vì không còn tài sản”. 

 

Có thể nói, để giải bài toán nợ BHXH cần có sự quan tâm hợp tác của nhiều cơ quan, đặc biệt là việc công khai các thông tin về DN trên các lĩnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ nộp ngân sách Nhà nước, quan hệ tín dụng với ngân hàng. Bên cạnh đó vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở cần được phát huy hơn nữa, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động.