Phát triển các loài cây thuốc Nam góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn nguyên liệu cũng như gìn giữ những bài thuốc cổ truyền quý giá của dân tộc. Không những vậy, đối với nhiều bệnh, điều trị bằng các bài thuốc nam còn giúp giảm thiểu chi phí. Một trong những đơn vị phát triển vườn thuốc Nam điển hình của huyện Đồng Hỷ là Trạm Y tế xã Quang Sơn.
Dù đã vào giữa đông, nhưng hầu hết các loại cây có trong vườn thuốc Nam của Trạm Y tế xã Quang Sơn vẫn xanh tốt. Khu vườn được xây dựng từ năm 2004, là vườn cây thuốc mẫu để tuyên truyền giúp nhân dân nhận diện và biết công dụng của từng loại cây thuốc. Qua đó có thể về trồng và sử dụng tại gia đình góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa y học cổ truyền. Xác định rõ tầm quan trọng của các loại cây thuốc này nên Trạm Y tế Quang Sơn đã xây dựng vườn không chỉ dừng lại là vườn cây mẫu. Mặc dù với diện tích không lớn, chỉ rộng chừng gần 300m2, nhưng trong vườn thường xuyên có trên 60 loại cây thuốc thuộc 9 nhóm thuốc được Bộ Y tế quy định dùng để chữa một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan... Mỗi nhóm cây đều được ngăn từng ô và cắm biển tên để phân loại. Trong số đó, ngoài các loại cây nằm trong danh mục cây thuốc theo quy định, các y, bác sĩ trong trạm còn đặc biệt chú trọng đến việc sưu tầm trồng nhiều loại cây thuốc khác phục vụ cho bài thuốc chữa bệnh dân gian nằm ngoài danh mục như: Cây phèn đen, cây canh châu, cây sài đất, cây đài bi dùng để chữa các bệnh như sốt phát ban, tắm mát cho trẻ, điều trị bệnh sởi hay rubela...
Theo bác sĩ Lâm Văn Vôn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Sơn: So với việc khám chữa bệnh theo phương pháp tây y, chữa trị bằng các bài thuốc đông y có rất nhiều ưu điểm. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng thuốc tây y nhưng không tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ nên dễ dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, nhưng với thuốc nam thì có thể tránh được hiện tượng này. Thuốc Nam thường được dùng nhiều cho người già và trẻ nhỏ. Nhiều loại thuốc tây người bệnh, nhất là trẻ nhỏ hay bị nôn khi uống nên điều trị không mang lại kết quả. Thuốc Nam lại có thể khắc phục được nhược điểm này. Thêm nữa dùng thuốc Nam giá thành thấp hơn nhiều so với thuốc tây, thậm chí có nhiều cây thuốc hoàn toàn có thể tự đi lấy được vì nó khá phố biến. Chẳng hạn, một liều thuốc chữa viêm họng thường có giá từ 50 đến 70 nghìn đồng, trong khi có thể thay thế bằng cách dùng rễ cây chanh, rễ cây dâu, hay rễ cây rẻ quạt đun lên để uống rất hiệu nghiệm. Một số loại cây thuốc được dùng phổ biến nhất gồm có: Xả, hương nhu, gừng, tía tô, kim ngân, cây cối xay...
Bệnh nhân có nhu cầu điều trị bằng phương pháp đông y có xu hướng ngày một tăng. Trong năm 2012, Trạm đón tiếp trên 4.600 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Riêng bệnh nhân khám và điều trị kết hợp với y học cổ truyền là 1.403 lượt người, tăng hơn 550 lượt so với năm 2011. Hiện nay, Trạm đã có một phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền riêng biệt với đầy đủ trang thiết bị như giường để châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt, có máy điện châm để phục vụ cho việc điều trị. Trạm đã lồng ghép hoạt động tư vấn sau khám cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhằm thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trạm, đồng thời giúp bà con được hưởng những dịch vụ y tế tốt và phù hợp nhất, những năm qua Trạm y tế Quang Sơn còn thường xuyên phối hợp với các thầy thuốc đông y có tay nghề cao, có trình độ để điều trị bệnh bằng các bài thuốc cổ truyền, kết hợp châm cứu. "Phương pháp điều trị này đặc biệt hiệu quả đối với những người bị đau dây thần kinh, trật khớp, các bệnh ngoài da, các bệnh ở trẻ nhỏ..." chị Lưu Thị Dung, y sĩ định hướng Đông y của Trạm chia sẻ.
Nhằm phát triển vườn cây thuốc Nam, các y, bác sĩ của Trạm thường xuyên duy trì tốt việc chăm sóc, trồng bổ sung các loại cây thuốc, động viên và khuyến khích các sinh viên về thực tập tại Trạm mỗi người sưu tầm và trồng ít nhất một cây thuốc trong vườn thuốc Nam của Trạm. Qua đó vừa giúp các sinh viên được tìm hiểu thêm về các loại cây thuốc quanh mình, vừa làm cho vườn thuốc của Trạm ngày càng phong phú.
Bên cạnh yêu cầu xây dựng vườn cây thuốc mẫu đáp ứng tiêu chí đề ra, việc phát triển vườn cây thuốc nam cả về số lượng và chất lượng còn lưu giữ được những bài thuốc cổ truyền của dân tộc, bảo vệ và duy trì nguồn dược liệu quý, phong phú của nước ta hiện đang có nguy cơ cạn kiệt.