Những làn mưa bụi mỏng manh len lỏi trên đường, ngoài ruộng, trước hiên nhà… báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Chỉ còn chục hôm nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Nhiều gia đình đã tìm đặt mua quất, đào để bày chơi trong dịp Tết, còn những hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lỡ bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) ở Phục Linh (Đại Từ), cuộc sống của họ như thế nào, bà con đón Tết cổ truyền ra sao? Câu hỏi đó đã đưa chúng tôi trở về nơi ấy, nơi mà gần 10 tháng trước, người dân đã phải hứng chịu một thảm họa kinh hoàng…
Anh Đỗ Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Phục Linh cho biết: Xã có 14 hộ bị vùi lấp nhà cửa, hoa màu thì 11 hộ đã nhận tiền đền bù, 3 hộ còn lại vẫn đang tiếp tục thỏa thuận. Hiện nay, bà con đã cơ bản ổn định cuộc sống. 5 trong số 11 hộ nhận tiền đền bù xong là chuyển về khu tái định cư ở xóm Khuôn 1, cách nơi xảy ra sạt lở khoảng gần 1km để xây nhà. Số hộ còn lại cũng đã tự tìm được nơi ở mới ổn định.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tìm đến khu tái định cư ở xóm Khuôn 1. Chỉ mới vài tháng mà từ một khu đất trống, nơi đây đã trở nên khá nhộn nhịp, đông vui. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên. 5 hộ bị vùi lấp nhà cửa chuyển từ chân bãi thải ra đây đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp có nhà mới đón Tết Nguyên đán. Ông Hoàng Văn Long, hộ dân bị vùi lấp nhà cửa, hoa màu chia sẻ: Khi tai họa xảy ra, gia đình tôi vất vả lắm. 6 nhân khẩu trong gia đình phải tìm thuê chỗ ở mà nào có yên thân, cứ được đôi tháng là họ lại đòi nhà. Lo nhất là mẹ già đã ngoài 90 tuổi, sống vất vả thế dễ sinh bệnh tật, ốm đau. Vì vậy, đầu tháng 10-2012, được nhận tiền đền bù là tôi khởi công xây nhà và dựng lán ngay bên cạnh để ở. Gần 4 tháng xây dựng, giờ ngôi nhà đã hoàn thành, chuyển vào nhà mới rồi, cả nhà ai cũng vui vẻ và yên tâm Tết này không phải đón giao thừa ở chiếc lán tạm bợ.
Với số tiền được đền bù (2,2 tỷ đồng), ông Long đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng xây ngôi nhà 2 tầng, diện tích mỗi sàn là 100m2. Số tiền còn lại, ông sẽ đầu tư mua đất, ruộng để canh tác... Ngắm ngôi nhà 2 tầng khang trang với những tiện nghi khá đắt tiền và trò chuyện với gia chủ, chúng tôi thấy cả một “trời” vui đong đầy trong mắt người đàn ông luống tuổi này. Không vui sao được khi sau bao tháng lận đận, cuộc sống bình yên đã quay trở lại với ông và những người thân yêu trong gia đình. Theo ông Long, phải trải qua những ngày sóng gió, màn trời, chiếu đất như gia đình ông mới thấu hiểu được ý nghĩa của một ngôi nhà mới. Giống như ông Long, anh Hoàng Văn Trường, con trai ông Long, là hộ cũng bị vùi lấp nhà cửa chia sẻ: Tôi sợ cảnh đi thuê nhà để ở lắm, 4 nhân khẩu “chui” trong một góc nhà bé tẹo, khổ cực trăm đường. Nay, nhà mới sắp xong rồi, vợ chồng, con cái ai cũng phấn khởi. Gia đình đang động viên anh em thợ xây cố gắng làm nốt phần cửa, sân… để hoàn thành ngôi nhà 2 tầng, diện tích 120m2/sàn trước Tết Nguyên đán. Trước mắt phải hoàn tất việc chuyển vào nhà mới đã. Vợ chồng tôi trước đây sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thì sau này vẫn thế. Ra giêng, tôi mới tìm đất canh tác để mua và ổn định sản xuất.
Sau khi bị vùi lấp nhà cửa, hoa màu, anh Trường được doanh nghiệp đền bù 1,8 tỷ đồng. Xây nhà hết khoảng 1 tỷ đồng, số tiền còn lại anh vẫn đang dành dụm để mua đất canh tác. Ông Lê Văn Tân, Bí thư Chi bộ xóm Khuôn 1 cho hay: Thời gian qua, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở bãi thải đều được Mỏ than Phấn Mễ hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền ăn (trên 1 triệu đồng/tháng) cho đến khi họ có nhà ở mới dừng hỗ trợ. Việc xây nhà hoàn tất, bà con đã yên tâm với cuộc sống mới. Tôi tin rằng, có nhà xây kiên cố rồi, tới đây, bà con sẽ chuyên tâm vào làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Trước thêm xuân, trở lại Phục Linh mới cảm nhận được hết những nỗ lực của người dân nơi đây. Chỉ sau 10 tháng, cuộc sống của bà con đã bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường và đây là một tín hiệu đáng mừng. Có được kết quả này, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp còn phải kể đến sự quan tâm của chính quyền địa phương. Những tháng ngày qua, chính quyền địa phương đã luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện để bà con ổn định cuộc sống…
Trong tiết xuân, mưa phùn lắc rắc rơi mà những ngôi nhà còn thơm múi vữa ở xóm Khuôn 1 vẫn bừng sáng. Xen kẽ giữa những ngôi nhà xây, đâu đó lại hiện lên những luống rau nhỏ xinh với các loại rau cải cúc, bắp cải, su hào xanh ngăn ngắt… Vậy là cuộc sống ở vùng từng xảy ra thảm họa tang thương ngày ấy đang hồi sinh từng ngày…