Lúng túng xử lý các doanh nghiệp FDI bỏ trốn

09:17, 16/01/2013

Mặc dù số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng số DN FDI đang hoạt động trên địa bàn cả nước nhưng tình trạng DN FDI bỏ trốn cũng đáng báo động khi hậu quả tiêu cực mà các DN FDI này để lại. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, giải quyết tình trạng này.  

Doanh nghiệp bỏ hoang

 

Nằm trong Khu công nghiệp (KCN) Amata (TP Biên Hòa, Ðồng Nai), toàn bộ nhà xưởng trên diện tích 1 ha của Công ty TNHH UTC Vina (Hàn Quốc) "cửa đóng, then cài", "phơi mưa, phơi nắng" gần bốn năm nay. Nếu trước đây mọi hoạt động sản xuất tại đây nhộn nhịp, thì nay DN này chỉ còn trơ lại nhà máy hoang tàn, dây chuyền, máy móc phủ đầy bụi bặm. Với vốn đầu tư đăng ký 3,1 triệu USD, sau khi đi vào hoạt động chỉ được thời gian ngắn để sản xuất các loại băng keo, do tranh chấp nội bộ về con dấu, tài sản, chủ DN này đã bỏ về nước. Các cơ quan chức năng tại Ðồng Nai mặc dù liên tục tìm cách liên lạc nhưng đến nay chủ DN vẫn "im hơi lặng tiếng". Tương tự, Công ty Xích chuyên dùng (Ðài Loan, Trung Quốc) thuê 1,4 ha đất tại KCN Biên Hòa 2 đã ngừng hoạt động từ tháng 8-2011, hiện còn nợ tiền thuê đất và phí hạ tầng hơn 1,5 tỷ đồng; nợ các ngân hàng hơn 2 triệu USD; nợ thuế Nhà nước và các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động hơn 10 tỷ đồng. Theo thống kê của Phòng DN (Ban Quản lý các KCN Ðồng Nai), tính đến cuối năm 2012, Ðồng Nai có 42 DN FDI "vắng chủ", chiếm 4,7% tổng số các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. 42 DN FDI này có tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 142 triệu USD và tổng số lao động theo đăng ký ban đầu là 3.848 lao động.

 

Ðồng Nai không phải là địa phương duy nhất đối mặt với tình trạng DN FDI bỏ trốn. Tại Bình Dương, theo Cục Hải quan tỉnh này thì từ năm 2000 đến hết năm 2012, trên địa bàn có 32 DN FDI bỏ trốn, chủ yếu tập trung vào năm 2010 và năm 2011, năm 2012 vừa qua chỉ có một DN FDI bỏ trốn. Mặc dù tỷ lệ DN FDI bỏ trốn chỉ chiếm 3,04% trong tổng số DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng hệ quả mà những DN này để lại không hề nhỏ. Chỉ tính riêng số nợ thuế xuất, nhập khẩu của các DN FDI bỏ trốn cũng lên đến 57,99 tỷ đồng. Gần đây, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Dương phát hiện chủ đầu tư công ty chuyên làm gia công ba-lô, túi xách, hàng may mặc Ado Vina (Hàn Quốc) đã bỏ trốn khỏi nhà xưởng tại thị xã Thuận An, để lại một khoản nợ 245 triệu đồng tiền lương của người lao động. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Dương Lê Việt Dũng cho biết, hầu hết các DN FDI khi bỏ nhà xưởng sản xuất, đều không thể liên lạc được. Các DN có chủ bỏ trốn thường có chung đặc điểm là không đầu tư xây dựng nhà xưởng mà thuê từ các DN khác hoặc từ tổ chức cho thuê thiết bị, tài chính... Nếu có, tài sản của DN để lại hầu như không có giá trị, dây chuyền sản xuất đã khấu hao hết nên dù thanh lý cũng không thu được bao nhiêu. Ngoài nợ thuế, những DN này còn để lại khoản nợ lương, bảo hiểm cho người lao động...

 

Cùng chung nhận định này, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ðồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, nếu tính cả các DN FDI và DN trong nước bỏ trốn trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai thì số nợ BHXH lên đến gần 8,5 tỷ đồng của 1.651 lao động. Số tiền nợ BHXH này là rất khó đòi bởi các chủ DN đều không thể liên lạc được, trong khi đó sổ BHXH của người lao động do chủ DN nắm giữ. Ðể giải quyết chế độ cho số lao động bị mất việc này cũng rất khó vì người lao động khó lấy lại sổ BHXH để chốt được thời gian tham gia và số tiền đóng BHXH. Về lâu dài, điều này tác động đến quỹ lương hưu, từ đó có thể để lại hậu quả trực tiếp đến an sinh xã hội.

 

Rõ ràng, tình trạng DN FDI bỏ trốn gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Không những thế, Nhà nước cũng thất thu một khoản ngân sách không nhỏ khi không thể đòi được những khoản nợ thuế, tiền thuê đất, phí hạ tầng, còn ngân hàng phải gánh những khoản nợ xấu... Chưa kể, hàng loạt DN FDI bỏ trốn kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do không thể yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục giải thể, khó xử lý các tài sản còn lại của DN. Có trường hợp DN gặp khó khăn, vay nợ ngân hàng không thanh toán được, khi phát hiện ra thì DN đã "âm thầm" phát tán tài sản thế chấp ngân hàng từ trước đó, chủ DN tự bỏ về nước. Các địa phương cũng không thể thu hồi đất, mặt bằng để cấp cho các nhà đầu tư khác, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư.

 

Hoàn thiện khung pháp lý

 

Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng DN FDI bỏ trốn, có thể thấy, phần lớn là do tác động của suy thoái kinh tế, DN làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ DN "âm thầm" bỏ trốn. Bên cạnh đó, còn do tranh chấp nội bộ trong các công ty không giải quyết được. Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nêu trên, cũng không loại trừ nhiều trường hợp DN FDI lợi dụng những kẽ hở của luật pháp Việt Nam, nhất là những chính sách ưu đãi để trục lợi. Theo Cục Hải quan Bình Dương, sau khi nhập khẩu 176 đơn hàng nguyên liệu sản xuất đồ gỗ và nội thất, với số tiền thuế hơn 24 tỷ đồng. Công ty DIINGLONG được ân hạn nộp thuế 275 ngày. Nhưng thay vì đưa nguyên liệu vào sản xuất, xuất khẩu và nộp thuế... thì công ty này lại bán lô hàng vừa nhập khẩu ngay tại thị trường Việt Nam, thu tiền rồi bỏ trốn về Ðài Loan (Trung Quốc), trốn luôn 24 tỷ đồng tiền thuế.

 

TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Trường đại học Kinh tế - Ðại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện tượng DN FDI bỏ trốn cho thấy những lỗ hổng về cơ sở pháp lý cũng như cơ chế quản lý hoạt động của các DN FDI hiện nay. "Chúng ta còn thiếu những văn bản pháp lý đầy đủ để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, gian lận đầu tư, trong khi nhiều nhà đầu tư lại nghiên cứu rất kỹ hệ thống pháp luật của chúng ta", TS Phan Hữu Thắng nói. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như kế hoạch và đầu tư, tài chính, thuế, hải quan, ngân hàng... trong quản lý các DN FDI sau cấp phép còn chưa thật chặt chẽ nên chậm phát hiện những DN có dấu hiệu bỏ trốn.

 

Ðể ngăn chặn, hạn chế tình trạng DN FDI bỏ trốn, theo TS Phan Hữu Thắng, quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt kiểm tra, giám sát các DN FDI trong suốt quá trình hoạt động, tăng cường sử dụng các công cụ giám sát như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, cơ chế giám định, định giá cũng như tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan... Tại Ðồng Nai, Ban Quản lý các KCN Ðồng Nai phối hợp các công ty hạ tầng KCN tăng cường giám sát, quản lý các dự án FDI sau cấp phép. DN không có báo cáo hàng tháng thì xuống từng đơn vị kiểm tra thực tế, nếu phát hiện DN có dấu hiệu bỏ về nước thì phối hợp các sở, ngành liên quan xử lý. Trong số 42 DN FDI bỏ trốn, Ban Quản lý các KCN Ðồng Nai đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 80 triệu USD, bao gồm các dự án không hoạt động nhiều năm, không có báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc đã thanh lý giải thể DN theo phán quyết của tòa án. Song, hệ lụy của các DN bỏ trốn để lại như tiền thuê đất, tiền thuế, tiền nợ BHXH... thì rất khó giải quyết vì chủ DN đã bỏ về nước.

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, việc xử lý các DN FDI bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp. Khung pháp lý quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau nên gây lúng túng cho các cơ quan quản lý khi xử lý nhiều vấn đề liên quan đến DN FDI. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là các quy định của pháp luật về thanh lý, phá sản... để xử lý dứt điểm dự án không triển khai thực hiện, dự án nhà đầu tư bỏ trốn nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư.

 

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mới đây đã ban hành Văn bản số 7566/BKHÐT-PC hướng dẫn việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Theo đó, đối với các dự án FDI vắng chủ, đã được xử lý về tài sản và vị trí đất thuê thông qua các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án và cơ quan thi hành án đã tổ chức bán đấu giá tài sản thì UBND tỉnh, ban quản lý các KCN căn cứ quy định tại điều 64, khoản 2, điều 65 Luật Ðầu tư, nội dung giấy chứng nhận đầu tư, cam kết về tiến độ thực hiện dự án đầu tư để ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư mới theo thủ tục chung.