Ngừng sử dụng lô vắcxin gây tai biến ở Hà Nội

14:22, 08/01/2013

Chiều 7/1, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, lô vắcxin “5 trong 1” Quinvaxen đã được ngừng sử dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.  

Quyết định trên được Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đưa ra sau khi cháu Nguyễn Thành Long 3 tháng tuổi ở Gia Lâm tử vong sau tiêm vắcxin phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ.

 

Ông Cảm cho hay, mẫu vắcxin tiêm cho cháu Long ở trạm y tế xã Yên Thường, Gia Lâm cũng đã được gửi tới Viện Kiểm định Quốc gia vắcxin dược phẩm y tế.

 

Lô vắcxin Quinvaxen tiêm cho cháu bé trên thuộc lô 1453975. Lô vắcxin trên không chỉ phân phát đến huyện Gia Lâm mà cũng được phân phát đến tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố.

 

Theo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, thống kê tại các địa phương đã tiến hành tiêm chủng trong tháng thì đã có khoảng 55.000 liều cùng lô vắcxin liên quan đến tai biến của cháu bé trên đã được sử dụng, tuy nhiên nhưng chưa có thêm báo cáo nào bất thường.

 

Tại huyện Gia Lâm, hơn 1600 liều cùng với lô vắcxin trên được tiêm cho các bé nhưng cũng không có thêm trường hợp nào có báo cáo bất thường.

 

Tại Hà Nội, lịch tiêm chủng mở rộng được tiến hành từ mùng 1 đến mùng 10 hàng tháng tùy theo mỗi địa bàn.

 

Chiều cùng ngày, giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho biết, kết quả xét nghiệm lô vắcxin tiêm cho 3 trẻ tử vong tại Nghệ An cho thấy nguyên nhân tử vong không phải do vắcxin.

 

Theo kết quả kiểm nghiệm được gửi đến Viện Kiểm định Vắcxin và Sinh phẩm y tế quốc gia, mẫu vắcxin Quinvaxem "5 trong 1" của Hàn Quốc tiêm cho 3 bé tử vong sau tiêm tại xã Quang Châu, Nghệ An, có chỉ tiêu sinh học thực hiện đạt độ an toàn chung và an toàn đặc hiệu ho gà trên động vật thí nghiệm theo Dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới (WHO).

 

Ông Hiển cho hay, điều tra cũng cho thấy, vắcxin được vận chuyển, bảo quản đúng quy trình tiêu chuẩn, cán bộ tiêm chủng cũng thực hiện đúng quy định nên có thể loại trừ nguyên nhân do vắc xin và do lỗi tiêm chủng.