Những chiến công thầm lặng

16:33, 19/01/2013

Áp Tết Nguyên đán, lạnh, song không ảnh hưởng tới tinh thần chuẩn bị đón xuân mới của cán bộ, chiến sĩ công an Trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục 8, Bộ Công an). Ngoài lo Tết cho đơn vị, cán bộ, chiến sĩ ở đây còn phải lo cho phạm nhân được đón xuân như bao con người ngoài cuộc đời. Cũng bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, và trên hết là công tác bảo đảm an toàn cho phạm nhân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trong thời gian làm việc ở đây, qua trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi mới hiểu được phần nào công việc của các anh - những người lính trên mặt trận giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp đỡ những mảnh đời lầm lỗi, hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường. Trung tá Nguyễn Thị Nga, Phân trại số 2 tâm sự: Khi mới vào, các phạm nhân đều mặc cảm về tội lỗi mình gây ra ngoài đời. Nhiều trường hợp phạm nhân không muốn trò chuyện với bất cứ ai, cán bộ hỏi thì thưa, dạ và luôn có ý nghĩ hận thù với chính người thân của mình. Với trường hợp như thế, tôi thường gần gũi, động viên, trò chuyện để phạm nhân nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình, đồng thời động viên để họ yên tâm cải tốt, bởi phía trước mỗi người còn có một tương lai.

 

Công việc của Trung tá Nga và đồng đội là giáo dục, cải tạo những phạm nhân đang chấp hành án. Nhưng cũng chính ở nơi 4 bức tường bao, rào kín này còn có không ít phạm nhân chưa chịu quy án, vượt tù ra ngoài xã hội để “ngựa quen đường cũ”. Cũng vì thế, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4, đặc biệt là anh, chị, em Đội trinh sát phải cực nhọc lần tìm, bắt đối tượng về thụ án. Thiếu tá Cao Xuân Trường, Phó Đội trưởng Đội Trinh sát cho biết: Mỗi chuyến đi tìm phạm nhân trốn trại lại có một khó khăn riêng. Có chuyến anh, em trong đơn vị phải đi ròng rã hơn 1 tháng trời mới tìm thấy đối tượng đang sống chui nhủi ở một xóm liều nào đó. Hầu hết các đối tượng đều manh động, rất nguy hiểm, song nhiệm vụ trên giao, chúng tôi hoàn thành.

 

Ngồi ở Đội Trinh sát, nghe chuyện đánh án, tìm phạm nhân trốn trại tôi mới thấy nể cái tài... tìm người của các anh. Thiếu tá Trường mới được điều động từ phân trại về Đội Trinh sát 5 năm nay. Hầu hết các phạm nhân trốn trại đều bị anh cùng đồng đội lần ra nơi ẩn náu, đưa về giao lại cho đơn vị. Nhiều đối tượng trốn trại trước đây cũng bị anh lần ra tung tích đưa về quy án. Điển hình như vụ việc xảy ra rạng sáng ngày 25/8/2011, tại Phân trại số 6, 2 tên Nguyễn Ngọc Văn và Nguyễn Văn Trường đã cạy khoá cửa trốn thoát ra ngoài. Tên Trường bị bắt lại ngay tối hôm đó tại nhà riêng. Còn tên Văn, bản chất lưu manh chuyên nghiệp, có quan hệ xã hội phức tạp, từng đến nhiều tỉnh để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân đã một mạch vào miền Nam lẩn trốn. Thiếu tá Trường cùng Đại uý Nguyễn Tuấn Mậu đã lần dấu tích đối tượng qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... 9 ngày ròng mới bắt được tên Văn. Đại uý Mậu tâm sự: Nhiệm vụ coi như hoàn thành, nhưng chúng tôi phải mất thêm 3 ngày, đêm xe, tàu ăn không ngon, mắt không dám nhắm để dẫn giải phạm nhân về bàn giao cho đơn vị.

 

Chuyện đánh án, bắt phạm nhân trốn trại các anh kể nghe nhẹ nhàng như “bác nông dân vừa cày xong mảnh ruộng”. Nhưng tôi biết, công việc của các anh luôn phải đối diện với hiểm nguy. Bởi những phạm nhân trốn trại luôn ẩn mình trong bóng tối, chúng liều lĩnh, manh động, có thể làm bất cứ việc gì để thoát thân. Song bằng mưu trí và nghiệp vụ của mình, các anh đã hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, đem lại bình yên cho mọi người trong cộng đồng xã hội. Với cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4, đó là những chiến công thầm lặng, góp phần cùng toàn đơn vị buộc đối tượng ngoan cố phải chấp hành án, phải tích cực học tập, lao động  để hoàn lương.