Những “quan tòa” ở xóm

13:40, 09/01/2013

Trong cuộc sống hằng ngày, mâu thuẫn xảy ra ở trong làng, ngoài phố là điều khó tránh khỏi. Nếu không được giải quyết, những chuyện nhỏ ấy có thể trở thành vụ việc phức tạp, dẫn đến khiếu kiện, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự. Vì vậy, hòa giải cơ sở (HGCS) có vai trò quan trọng góp phần ổn định trật tự xã hội và thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm - ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng Tư pháp huyện Phổ Yên chia sẻ như vậy khi nói về hiệu quả của công tác HGCS thời gian qua trên địa bàn.

Có thể kể ra đây nhiều vụ việc được hòa giải thành công ở xã Trung Thành và Đông Cao - 2 địa phương được đánh giá là hoạt động tích cực trên lĩnh vực này. Ví dụ như năm 2011, trường hợp xin ly hôn của vợ chồng T-Q ở xóm Việt Lâm, xã Đông Cao đã được giải quyết êm thấm. Mới lấy nhau được mấy năm nhưng anh chị thường xuyên cãi cọ về vấn đề kinh tế nên chị T đã làm đơn ly hôn gửi Trưởng xóm và bế con về nhà ngoại ở. Sau nhiều lần tổ hòa giải (THG) đến gặp hai vợ chồng, phân tích để họ hiểu ly hôn sẽ làm khổ hai con nhỏ, anh chị T-Q đã quay trở về sống với nhau. “Thuận vợ, thuận chồng tát bể đông cũng cạn”, với sự cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình anh chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang và sắm nhiều tiện nghi có giá trị. Khi chúng tôi đến nhà, chị T đang chăm sóc vườn rau trước nhà. Nói về chuyện ly hôn ngày trước, chị T ngượng ngùng không muốn nhắc lại và bảo: “Nếu không có các bác trong xóm, chắc giờ chúng em chẳng được thế này”...

 

Còn rất nhiều vụ việc khác như ở (xóm Kim Tỉnh, xã Trung Thành) có 2 gia đình xô xát chỉ vì một nhà nuôi chó làm mất vệ sinh; hay như việc 2 anh em ruột (xóm Việt Lâm, xã Đông Cao) xích mích, suýt từ mặt nhau chỉ vì người chị dâu quét rác hất sang nhà em; việc vợ chồng định ly hôn (xóm Thanh Xuyên 5, xã Trung Thành) vì chồng mải mê cờ bạc, về nhà đánh đập vợ và bắt 4 mẹ con ăn, ngủ riêng… cũng được THG dàn xếp.

 

Lại có trường hợp mâu thuẫn giữa đơn vị sản xuất với nhiều hộ dân như năm 2011, Công ty cổ phần Xây dựng bê tông cầu Đa Phúc (Phổ Yên) trong quá trình sản xuất đã để chất thải làm hỏng 9 sào ruộng của 7 hộ dân xóm Kim Tỉnh, xã Trung Thành. Các hộ dân rất bức xúc đề nghị Công ty phải có trách nhiệm bồi thường. Thương lượng không thành, các hộ dân làm đơn kiến nghị gửi UBND xã. UBND xã đã giao cho THG xóm Kim Tỉnh giải quyết. Trước phân tích của các hòa giải viên (HGV), Công ty đã nhận trách nhiệm và bồi thường cho 7 hộ dân theo thỏa thuận.

 

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ trong hàng trăm vụ việc mà các tổ HGCS của huyện Phổ Yên đã hòa giải thành công trong 2 năm trở lại đây. Nhận thức được hiệu quả của công tác HGCS trong việc giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, năm 2011, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố và kiện toàn 328 THG  ở 100% các xóm với tổng số 1.942 HGV (mỗi tổ có từ 5-9 người). Các HGV thường là là thành viên của các tổ chức, đoàn thể: ban công tác mặt trận, người cao tuổi, hội cựu chiến binh... có phẩm chất, đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác và được dân tin yêu, gọi là những “quan tòa” ở thôn, xóm. Tuy nhiên, do phần lớn HGV không qua đào tạo nên chưa nắm được nguyên tắc, phương pháp cũng như các bước trong quá trình “xử án”. Vì vậy, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm hòa giải cho các HGV. 2 năm 2011 và 2012, Phòng đã biên soạn tập tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn cho 753 tổ trưởng và HGV.

 

Trong năm 2011, toàn  huyện đã hòa giải thành công 206/351 vụ việc; năm 2012 là 238/383 vụ (còn 44 vụ việc đang tiến hành; 103 vụ giải quyết không thành đã chuyển tòa án hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền). Các địa phương làm tốt công tác này điển hình là: thị trấn Bắc Sơn, xã Trung Thành, Phúc Thuận, Nam Tiến, Thành Công...

 

Đơn cử như xã Trung Thành - địa phương có 14 tổ HGCS với 124 HGV. Năm 2012, các tổ đã giải quyết thành công 21/24 vụ việc, chuyển 3 vụ phức tạp cho cơ quan chức năng và tòa án. Chia sẻ về cách làm tốt hòa giải, ông Nguyễn Mạnh Nghĩa, Tổ trưởng THG xóm Thanh Xuyên 5, xã Trung Thành cho biết: Kinh nghiệm của chúng tôi là gần gũi để nắm rõ đặc điểm tình hình từng hộ và tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn để làm việc thành công. Đầu tiên, chúng tôi đến gặp và phân tích với từng người, từng gia đình, nhờ cả những người thân quen có khả năng tác động tốt tới họ cùng đi khuyên giải, sau đó mới mời hai bên ra nhà văn hóa để định hướng giải quyết. Một số trường hợp sau hòa giải, chúng tôi đã đề nghị họ ký cam kết không gây xích mích với nhau nữa. Có trường hợp đã làm cơm liên hoan mời các thành viên trong THG đến chung vui để cảm ơn.

 

Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành nói: Là địa bàn phức tạp vì có nhiều dự án giải phóng mặt bằng (nằm trong cụm công nghiệp phía Nam Phổ Yên) nên các vụ việc phát sinh chủ yếu về tranh chấp đất đai. Ngoài ra, lĩnh vực hôn nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn. Qua hoạt động HGCS, các đơn thư khiếu kiện vượt cấp hằng năm đều giảm: năm 2011 xã nhận được 12 đơn khiếu nại; năm 2012 chỉ còn 10 đơn khiếu nại về thủ tục giải quyết trong lĩnh vực đất đai và chính sách xã hội. Từ năm 2007 đến nay, xã đã giải phóng mặt bằng được trên 60ha đất của 415 hộ dân bị ảnh hưởng ở khu, cụm công nghiệp. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 10/15 tiêu chí...