Quá tải bệnh nhân ở bệnh viện huyện

14:59, 02/01/2013

Nói đến tình trạng quá tải bệnh nhân, người ta thường nghĩ tới những bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương. Nhưng đến nay, tình trạng này đã thường xuyên diễn ra ở những bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện Đa khoa Định Hóa cũng không phải là ngoại lệ. Điều đáng nói là, trong số những bệnh nhân đến khám tại đây có những bệnh thông thường mà trạm y tế xã hoàn toàn có thể điều trị và xử lý được…

Bác sĩ Nguyễn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Định Hóa cho biết: Chúng tôi có chỉ tiêu 105 giường bệnh, nhưng thực tế công suất giường bệnh luôn đạt ở mức 150%, có thời điểm còn tăng lên tới 200%. Bình quân mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 150-170 người đến khám bệnh. Có những ngày biến động, con số này tăng đến 200 -300 người. Trong đó các ca bệnh nhẹ không phải điều trị nội trú chiếm từ 20-30% tổng số người bệnh đến khám. Đối với những bệnh như viêm họng hoặc những cơn đau lưng cấp... người bệnh hoàn toàn có thể đến điều trị tại các cơ sở y tế tuyến xã.

 

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Định Hóa vào khoảng 9h sáng, hầu hết bên ngoài các phòng khám đều có rất đông bệnh nhân ngồi xếp hàng. Trước cửa phòng khám Nhi, chị Nông Thị Vân Kiều, xóm Nà An, xã Quy Kỳ chia sẻ: Cháu nhà tôi cũng chỉ bị ho thôi, nhưng tôi cho lên Bệnh viện khám để điều trị cho nhanh khỏi. Cũng có lần cháu bị thế này, tôi đưa đến trạm y tế xã khám và nhưng uống thuốc hết liều mà vẫn không khỏi. Suy nghĩ của chị Kiều cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người đang có mặt tại đây. Chị Dương Ánh Tuyết, xóm Tiến Lợi, xã Trung Lương bày tỏ: Khám ở trạm y tế xã chỉ được cấp vài loại thuốc ít tiền, không có thuốc đặc trị, bị nặng cũng không được tiêm. Chúng tôi lên đây vừa có bác sĩ giỏi hơn lại có nhiều thuốc chữa trị.

 

Rõ ràng nhiều người dân đã phần nào mất đi niềm tin đối với các trạm y tế cơ sở, mặc dù hiện nay, 23/23 các xã, thị trấn của Định Hóa đều đã có các Trạm y tế, trong đó 21 Trạm đã đạt Chuẩn Quốc gia về y tế xã, 100% các trạm  đều có bác sĩ. Một thực tế là trang thiết bị đầu tư cho các trạm y tế còn hạn chế. Toàn huyện mới chỉ có 9 trạm có máy điện tim và 5 trạm có máy siêu âm. Bác sĩ Nguyễn Tùng, cho biết thêm: Năm 2012 này, Bệnh viện đón tiếp khoảng trên 2.300 bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên. Trong số này có tới 1/3 số bệnh nhân chỉ mắc các bệnh thông thường.

 

Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Trung Hội, một trong những trạm có nhiều thành tích trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, theo anh Lương Văn Hoan, Trưởng trạm Y tế cho biết: Mỗi ngày Trạm cũng chỉ đón tiếp trung bình khoảng trên 10 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, 10% trong số này phải chuyến tuyến, nhưng trên thực tế số lượng người bệnh xin chuyển tuyến tăng gấp 5 - 6 lần.

 

Sở dĩ có tình trạng này vì bệnh nhân điều trị tại trạm chỉ được cấp một số ít các loại thuốc thông thường, những loại thuốc đặc trị khác hoặc thuốc tiêm người bệnh muốn được sử dụng phải tự túc. Cái khó của các trạm là phải cân đo đong đếm để có thể phân bổ đủ số thuốc được cấp, rồi lựa chọn thuốc làm sao để kê đơn không vượt quá trần quy định. Cũng có những loại thuốc có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng nếu kê vào đơn giá sẽ trội quá trần quy định. Chính vì vậy nên rất nhiều người sau khi uống hết liều thuốc được trạm y tế cấp mà vẫn mà chưa khỏi bệnh, dẫn đến họ không còn đặt niềm tin vào trạm y tế xã. Trên địa bàn xã Trung Hội hiện có khoảng 80% dân số tham gia mua bảo hiểm y tế, trên 50% trong số đó là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đến khám tại Bệnh viện tuyến huyện vừa có bác sĩ được đào tạo bài bản lại có nhiều loại thuốc để điều trị hơn, trong khi đó họ được thanh toán 95%, chỉ phải chi trả 5% của phần giá dịch vụ tăng thêm nên đương nhiên họ sẽ lựa chọn Bệnh viện huyện.

 

Mặc dù Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách nâng cấp, đầu tư và số trạm y tế tuyến xã nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Hiện nay nay danh mục thuốc được thanh toán BHYT tại trạm y tế còn quá ít, trung bình chỉ có từ 20-30 loại, một số thuốc chữa tim mạch, huyết áp trạm y tế cũng không có, người dân phải lên bệnh viện huyện. Cũng theo anh Lương Văn Hoan, những trường hợp sinh nở người dân cũng rất hiếm khi đến trạm y tế, đơn giản là vì lên bệnh viện huyện có nhiều các trang thiết bị, máy móc phục vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Có BHYT nếu sinh ở trạm xá một ca sinh thường phải chi trả khoảng 320 nghìn đồng thì ở bệnh viện huyện vừa có đội ngũ bác sĩ lành nghề, có nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại hơn, người dân lại chỉ phải đóng 20% tổng số chi phí nên tất nhiên họ sẽ lựa chọn sinh tại bệnh viện huyện.

 

Trong danh mục thuốc cho trạm y tế xã do Bộ Y tế ban hành hiện theo Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 20/2/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các trạm y tế tuyến xã phải có 176 loại thuốc thiết yếu để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhưng thực tế trạm y tế tuyến xã chỉ thường xuyên có từ 20 đến 30 loại thuốc BHYT. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do quy định về mức trần của BHXH. Trong khi BHXH quy định mức trần tối thiểu thuốc cấp cho các trạm y tế cơ sở không dưới 10% nhưng lại không quy định mức tối đa.

 

 

Hầu hết các trạm y tế cơ sở đều cho rằng nếu mức chi trả theo định suất ở y tế tuyến xã được tính toán lại và họ được cung cấp đầy đủ các loại thuốc trong danh mục BHYT, người dân sẽ tìm đến trạm y tế xã nhiều hơn và đương nhiên tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được cải thiện đáng kể.