Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

09:13, 16/01/2013

Theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, các chủ cơ sở, cảng, dự án phải chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu.  

Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu quy định nội dung hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

 

Theo Quy chế, sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Mức nhỏ là tràn dầu dưới 20 tấn, mức trung bình từ 20 đến 500 tấn, mức lớn là trên 500 tấn. Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp:

 

Cấp cơ sở: chủ cơ sở phải tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường. Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản trợ giúp. Trường hợp sự cố tràn dầu nghiêm trọng thì thủ trưởng cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo kịp thời.

 

Cấp khu vực: Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra không rõ nguyên nhân trôi vào bờ biển của địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, bộ, ngành trên địa bàn, của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó.

 

Cấp quốc gia: trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.

 

Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường phải chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

 

Quy chế cũng quy định rõ, chủ của các tàu có tổng dung tích lớn hơn 1000 tấn đăng ký trở lên phải mua bảo hiểm hoặc các bảo đảm tài chính khác theo mức trách nhiệm dân sự được pháp luật quy định để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu. Chủ cơ sở, dự án có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu có cam kết bảo đảm tài chính để bồi thường mọi thiệt hại đối với ô nhiễm dầu do cơ sở gây ra. Cơ sở, cảng, dự án phải đầu tư hoặc hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu dưới 20 tấn phải triển khai chặn dầu trong vòng 1 giờ; trên 20 tấn đến dưới 100 tấn triển khai trong vòng 12 giờ; trên 100 tấn đến 500 tấn triển khai tiếp cận hiện trường trong vòng 24 giờ.

 

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, địa phương và chủ cơ sở có liên quan về Công tác chuẩn bị ứng phó sự cố tràn dầu; Tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu; Khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu.

 

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/3/2013, thay thế Quyết định 105/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2005 ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.