"Khu góp ý" nằm biệt lập trong khuôn viên Công ty Foster (Khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh) được thiết kế có bốn buồng kín như buồng gọi điện thoại. Mỗi buồng có một cái bàn nhỏ, một cái ghế và một hòm thư. "Khu góp ý" là kết quả của những cuộc đối thoại giữa Công đoàn, Ban giám đốc với NLÐ trong Công ty Foster.
Ai muốn góp ý với lãnh đạo công ty, quản đốc, công đoàn hay muốn tìm hiểu, thông báo việc gì mà ngại nói thì cứ viết ra rồi bỏ vào hòm thư. Người viết không cần nêu tên mình, vì công ty chấp nhận xem xét và giải quyết cả thư nặc danh. Mỗi tháng, "Khu góp ý" nhận được khoảng 200 ý kiến của người lao động (NLÐ).
Nhờ hình thức thông tin này mà Ban giám đốc, Công đoàn nắm được tâm tư, nguyện vọng của hơn 10.800 NLÐ, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Sáng kiến viết thư đã đem lại hiệu quả tích cực vì nó phù hợp tâm lý người Á Ðông, với văn hóa "tế nhị trong ứng xử" của người Việt Nam.
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Foster Dương Hữu Hà, ngay từ khi Công đoàn công ty được thành lập, một quy chế đối thoại giữa ba bên: Ban giám đốc, Công đoàn và NLÐ đã được xây dựng. Theo đó, mỗi tuần một lần, trưởng các bộ phận đối thoại với NLÐ thuộc bộ phận mình phụ trách, rồi tập hợp ý kiến báo cáo Công đoàn công ty; hằng tháng, Ban Chấp hành Công đoàn họp bàn với Ban giám đốc; ba tháng một lần, đại diện NLÐ sẽ đối thoại với Ban giám đốc và Công đoàn. Cuối năm tổng kết việc giải quyết các kiến nghị và khiếu nại của NLÐ. Bên cạnh các cuộc đối thoại trực tiếp, NLÐ có thể đối thoại gián tiếp theo ba cách: Trình bày ý kiến với đại diện Công đoàn; đến "Phòng giải đáp thắc mắc" để trao đổi; trường hợp muốn giấu tên thì NLÐ dùng hình thức viết thư tại "Khu góp ý".
Trong một cuộc đối thoại trực tiếp, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân. Sau khi bàn bạc, công ty nhất trí hỗ trợ 50% kinh phí cho các hoạt động văn nghệ, thể thao do Công đoàn tổ chức, đồng ý cho xây sân bóng đá. Ðược sự ủng hộ của Ban giám đốc, Công đoàn đầu tư kinh phí xây phòng chiếu phim, phục vụ công nhân hai lần/ngày vào trước ca đêm và sau ca ngày. So sánh với các công ty đã từng làm trước đây, chị Nguyễn Thị Lân, nhân viên công ty đánh giá cao môi trường chuyên nghiệp, không khí làm việc tích cực ở Foster. Ở đây, các chế độ bảo hiểm và khám sức khỏe định kỳ đều được thực hiện. Ðời sống tinh thần được cả công ty và Công đoàn chăm lo. Chị nhớ mãi chương trình "Bốc thăm trúng thưởng - lộc đầu năm", có người nhận được cả xe máy, tủ lạnh, ti-vi... Ðiều mà NLÐ trong công ty ghi nhận là những yêu cầu chính đáng của họ đều được công ty đáp ứng, tổ chức công đoàn thật sự là chỗ dựa vững chắc cho cả Ban giám đốc và NLÐ. Năm 2012, Công đoàn công ty chi hơn 4,5 tỷ đồng cho các hoạt động.
Người công nhân vốn dĩ thẳng thắn, không nên không phải là họ nói ngay, nhưng cũng có những người chỉ dám tâm sự riêng. Hơn 90% số lao động trong công ty là phái yếu, chị em có những cái khó riêng không dễ thổ lộ. Nắm bắt tâm tư này qua hòm thư góp ý, công ty đã làm thẻ ra vào có ghi thêm dòng chữ "Nuôi con nhỏ" để những chị em trong diện này được về sớm theo quy định của Luật Lao động. Cũng qua các cuộc đối thoại cởi mở, Công đoàn thấy nội dung có nhiều ý kiến, nhất là cách đối xử của một số quản lý với công nhân. Nguyên do là hầu hết quản lý ở phân xưởng từ công nhân mà lên, chưa có kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, cách giao tiếp, ứng xử chưa phù hợp. Do đó, công ty đã tổ chức hàng chục lớp kỹ năng mềm với chủ đề "Kiểm soát cảm xúc" cho những quản lý mới và cả NLÐ.
Ít nơi có "Phòng giải đáp thắc mắc" như công ty này. Trong phòng lắp đặt một số máy tính kết nối in-tơ-nét để công nhân có nhu cầu vào mạng xem chế độ, chính sách, cùng với một tủ sách pháp luật để mọi người tra cứu. Công đoàn đã trích quỹ 2,5 triệu đồng/năm để mọi người có thể sử dụng thư viện pháp luật online. Lúc nào cũng có một nhân viên thường trực tại phòng giải đáp thắc mắc để tiếp nhận ý kiến, gửi thông tin và trả lời cho NLÐ. Trường hợp giải quyết thắc mắc tại chỗ thì phải có đủ ba bên: người thắc mắc, người giải đáp thắc mắc và đại diện công đoàn. Bên ngoài căn phòng treo một tấm bảng mi-ca lớn, trên có ghi: "Phòng giải đáp thắc mắc hân hoan chào đón các bạn", tư vấn giải đáp các vấn đề tiền lương, ngày công, bảo hiểm, chính sách của công ty và các vấn đề khác. Cạnh đó là một bảng tin treo các câu hỏi của NLÐ và giải đáp của công ty. Sáng kiến này cũng từ đối thoại mà ra.
Trao đổi ý kiến về phương châm kinh doanh của công ty, Giám đốc hành chính - nhân sự của Công ty Foster Lã Văn Thành cho biết: Foster là công ty chuyên sản xuất tai nghe cho điện thoại di động của Nhật Bản, nằm trong Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ðể bảo đảm các dây chuyền sản xuất thông suốt, công ty áp dụng các công nghệ quản lý mới, cố gắng đáp ứng nguyện vọng NLÐ để họ làm việc lâu dài cho công ty. Muốn làm được việc này, công ty phải dựa vào tổ chức công đoàn. Trên thực tế, Công đoàn đã đưa ra rất nhiều sáng kiến khiến cho lãnh đạo công ty cũng phải ngỡ ngàng. Cả công ty chỉ ba người Nhật Bản và họ hết sức tin tưởng khả năng quản lý của người Việt Nam, hầu như các đề xuất có lợi cho NLÐ đều được đáp ứng. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, công ty vẫn tăng trưởng tốt, sản xuất hơn 40 triệu sản phẩm tai nghe năm 2012, đạt kế hoạch đề ra. Lương bình quân của NLÐ đạt 4,5 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp và tiền thưởng. Trao đổi về chế độ thưởng Tết cuối năm, ông Thành cam kết công ty sẽ có một phần quà Tết cùng tháng lương thứ 13 cho tất cả mọi người. Sau Tết cổ truyền, những công nhân đi làm đúng thời gian quy định sẽ được thưởng thêm nửa tháng lương nữa. Công đoàn cũng đang lên kế hoạch tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và giúp công nhân ở xa thuê xe giá rẻ về quê ăn Tết.
Trước lúc chia tay, anh Hà, Chủ tịch Công đoàn nhiệt tình mời mọi người đến dự đêm chung kết chương trình "Tìm kiếm tài năng Foster lần 1 năm 2013" vào cuối tháng 1-2013. Hoạt động này do anh em công nhân đề xuất tại cuộc đối thoại gần đây, chi phí lên đến 200 triệu đồng. Một năm mới đang đến, ngắm nhìn những gương mặt vui tươi của NLÐ, chúng tôi cảm nhận được họ sẽ yên tâm gắn bó với công ty. Cuộc sống của NLÐ cũng như kết quả sản xuất của một doanh nghiệp phụ thuộc không ít vào đối thoại dân chủ và các hành động thiết thực chăm lo cho công nhân.