Tấp nập thị trường quần áo rét

10:27, 04/01/2013

Hơn một tuần nay thời tiết rét đậm nên nhu cầu mua sắm các loại quần áo, giày chống rét có xu hướng tăng hơn so với mọi khi. Ở nhiều quầy bán quần áo, giày dép không khí mua bán nhộn nhịp. Song lượng khách mua hàng chủ yếu vẫn tập trung vào các loại quần áo giầy dép, khăn quàng cổ, gang tay, tất chân, mũ len để chống chọi với cái rét đang ở ngưỡng từ 10 đến 16 độ C.

Dạo quanh thị trường bán các mặt hàng quần áo, giầy dép, từ đầu đường rẽ vào phường Túc Duyên đến cổng trụ sở Tỉnh ủy (T.P Thái Nguyên); tại Siêu thị Minh Cầu và chợ Đồng Quang, chợ Thái, chúng tôi thấy, quần áo rét, giày dép bày bán la liệt, song chủ yếu vẫn là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất; sản phẩm may mặc do các công ty của Việt Nam sản xuất chỉ xuất hiện ở một vài nơi và chiếm những vị trí khiêm tốn trên quầy hàng. Về mặt giá cả cũng rất phải chăng. Ví dụ:  Một chiếc áo phao có giá bán từ 200 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng; quần nỉ của nữ có giá từ 100 đến 200 nghìn đồng/chiếc; bốt của nữ có giá từ 450 đến 500 nghìn đồng/đôi (loại cổ ngắn), loại bốt cổ cao có giá từ 650 nghìn đến 700 nghìn đồng…

 

Chị Nguyễn Thị Thanh bán hàng may mặc ở tầng 2 của chợ Thái cho biết: Nhìn chung, mức độ tiêu thụ hàng hóa từ đầu vụ rét đến trung tuần tháng 12/2012 rất chậm. Từ lễ Noel đến nay, do thời tiết rét đậm nên tốc độ tiêu thụ đã khá hơn. Tại Siêu thị Minh Cầu vào chiều 1 Tết dương lịch, ông Nguyễn Hữu Luân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực, Giám đốc Siêu thị Minh Cầu cho biết: Siêu thị đã thực hiện giảm giá 10% đối với các mặt hàng may mặc từ lễ Noel, nên sức mua của người dân cũng tăng lên chút ít.

 

Qua quan sát, chúng tôi thấy, mặc dù các quầy hàng cũng bán cả một số mặt hàng do các đơn vị trong nước sản xuất, chất lượng khá tốt nhưng cũng không mấy khách mặn mà. Chỉ trừ Siêu thị Minh Cầu có một số mặt hàng được khách  mua nhiều như: các loại quần nam do Công ty cổ phần May Sài Đồng sản xuất, giá rất rẻ từ 250 nghìn đồng đến 289 nghìn đồng/chiếc; áo phao nam cũng chỉ 235 nghìn đồng/chiếc (đó là chưa tính giảm giá 10%). Còn ở các nơi khác, đa phần khách hàng lại chọn mua quần áo, giầy dép của Trung Quốc. Dọc tuyến đường từ ngã ba vào phường Túc Duyên đến cổng Tỉnh ủy, các quầy hàng bày bán từ 90 đến 100% mặt hàng (chủ yếu áo phao, áo da các loại, quần nỉ) do Trung Quốc sản xuất. Có những quầy hàng khách mua lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Tại chợ Thái, hàng Trung Quốc cũng nhiều vô kể.

 

Chị Dương Thị Lan bán tại tầng 2, Chợ Thái cho biết: “Tại quầy hàng chúng tôi đang có bán cả áo phao do Việt Nam sản xuất, nhưng giá cao hơn so với áo phao cùng loại do Trung Quốc sản xuất (chênh lệch đến 150 nghìn đồng/chiếc) nên khách thường mua hàng Trung Quốc. Vì chất lượng ngang nhau, nhưng mẫu mã của Trung Quốc lại đẹp hơn, giá rẻ hơn (có 600 nghìn đồng/chiếc), nên lượng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất bán vẫn chạy hơn.

 

 Còn anh Vũ Văn Thanh cũng kinh doanh mặt hàng quần áo ở đây cho biết thêm: Quầy của chúng tôi có bán cả hàng do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. nhưng tôi thấy khách hàng trẻ tuổi thường thích mua hàng của Trung Quốc vì mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả cũng phải chăng. Đa số thanh niên thích mua hàng với giá vừa phải (bình quân giá 1 chiếc áo phao từ 500 đến 700 nghìn đồng) thì các bà trung tuổi trở lên lại thích mua hàng do Việt Nam sản xuất. Ví như ở quầy hàng có bán loại áo phao do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Phú Bình sản xuất, về chất lượng rất tốt, tuy nhiên mẫu mã lại đơn giản, giá cả cũng phải chăng (600 nghìn đồng/chiếc áo ngắn thân; 800 nghìn đồng/chiếc áo dài thân) và đây là mặt hàng bán cũng khá tốt. Còn các mặt hàng khác do các công ty tư nhân trong nước sản xuất cũng có nhưng khách hàng rất ít mua, cơ bản vẫn do mẫu mã không đẹp.

 

Tại cửa hàng giầy dép Hoàng Tân, mới 14 giờ mà khách đã đông nghịt. Khách mua cũng chủ yếu là các “nữ tú” tìm mua bốt, giầy nhung. Tôi lướt quanh một lượt xem có giầy dép do Việt Nam sản xuất, nhưng không thấy. Các loại giầy dép của Trung Quốc sản xuất với đủ mẫu mã phong phú xanh, vàng, đỏ, đen làm tôi hoa cả mắt. Tôi hỏi một người bán hàng xem có đôi giầy nào do Việt Nam sản xuất không để mua thì cô bán hàng lục tìm được 2 đôi bốt ngắn chân; giá cũng rất “mềm”: 450 nghìn đồng/đôi, bằng tiền 1 đôi giầy ngắn chân của Trung Quốc. Nhưng nhìn qua kiểu dáng thì quả là đơn giản hơn nhiều do với các loại giầy bốt do Trung Quốc sản xuất. GGang ngắm nghía đôi bốt thì cô bán hàng đã nhanh miệng thuyết phục: “Do mẫu mã không được bắt mắt lắm nên chẳng ai để ý chị ạ. Chị cứ đi thử vào chân cũng đẹp lắm đấy”.

 

Thế mới biết, để vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các nhà sản xuất điều cần quan tâm số một vẫn là mẫu mã. Hiện nay, xu hướng của người tiêu dùng là thích thay đổi mốt, không muốn “xài” những đồ đắt tiền, lâu hỏng. Bên cạnh đó, số đông người tiêu dùng vẫn là những người có thu nhập thấp, không dễ một lúc bỏ ra 2 đến 2,5 triệu đồng để mua 1 chiếc áo rét, vì vậy, đa số khách hàng vẫn mua những chiếc áo có giá phù hợp với thu nhập của mình (từ 300 nghìn đến 700 nghìn đồng/chiếc). Đây cũng là lý do hàng may mặc, giầy dép Trung Quốc đang chiếm lĩnh đa phần thị trường với sức tiêu thụ không nhỏ. Từ thực tế, trên các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam cần phải suy ngẫm, muốn thu hút được “người Việt dùng hàng Việt” đòi hỏi phải nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm phù hợp thị hiếu, vừa đẹp, giá cả phải chăng thì mới chiếm lĩnh được thị trường.