Thận trọng trong những ngày giá rét

09:18, 09/01/2013

Trong những ngày giá rét, số bệnh nhân phải điều trị tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn so với ngày thường. Ngoài ra, diễn biến một số bệnh trong năm nay cũng đôi chút khác so với những năm trước. Các bác sĩ khuyến cáo người dân đặc biệt là người già và trẻ em cần thận trọng hơn trong những ngày giá rét.

Trong nhiều ngày qua, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày với các chứng bệnh về tim mạch, huyết áp, tiêu chảy cấp do virus, hô hấp... Số bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa thường xuyên duy trì khoảng 100 người trong khi Khoa được giao điều trị 55 giường bệnh. Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, Bệnh viện đã phải kê tổng số 110 giường điều trị. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Nội cho biết: Số bệnh nhân điều trị tại đây cao gấp 2 lần dịp này năm 2011, ngay cả 22 giường cấp cứu của Khoa luôn luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Thông thường, Khoa chỉ đông bệnh nhân điều trị vào thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6. Tình trạng này gây ra không ít khó khăn cho Bệnh viện khi cả khoa chỉ có 4 bác sĩ. Bản thân bác sĩ Tuấn giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trưởng khoa nhưng cũng phải kiêm luôn bác sĩ điều trị.

 

Tương tự như Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng có lượng bệnh nhân điều trị các bệnh nội khoa tăng cao trong những ngày giá rét. Ngoài ra, tại đây còn ghi nhận số bệnh nhi điều trị nội trú tăng cao với nhiều nhóm bệnh khác nhau như: bệnh hô hấp, tiêu chảy do virus và đặc biệt là số trẻ sinh thiếu tháng phải điều trị tại Khoa tăng khá mạnh. Theo Bác sĩ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng khoa Nhi, trong số khoảng trên 100 bệnh nhi điều trị mỗi ngày thì có khoảng 20 cháu phải điều trị do sinh thiếu tháng. Các bệnh nhi sinh thiếu tháng thường dễ bị hạ thân nhiệt, ngay cả khi thời tiết ấm do lớp mỡ dưới da quá mỏng, khả năng sinh nhiệt kém; dễ bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng, cơ hoành yếu, phổi kém giãn nở, các phế nang chưa trưởng thành… Những trẻ này thì cần sự theo dõi, chăm sóc, điều trị thường xuyên trong thời gian hàng tháng trời. Với bệnh tiêu chảy do virus, bà Mai cũng cho biết số bệnh nhân mắc bệnh năm nay không chỉ tăng so với năm trước mà còn có biểu hiện bệnh lý nặng hơn với triệu chứng sốt cao và thậm chí một số trẻ sốt rất cao dẫn tới co giật sau đó mới bị tiêu chảy kéo dài. Còn với trẻ bị bệnh hô hấp, mặc dù diễn biến không có bất thường và lượng bệnh nhân cũng chỉ tăng nhẹ nhưng nhiều trẻ phải nhập viện cũng là do bị ủ ấm quá mức khiến trẻ ra mồ hôi rồi thấm ngược trở lại, gây lạnh và phát bệnh.

 

Bác sĩ Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ mặc quần áo vừa phải vì trẻ vận động nhiều. Khi chơi đùa nên cởi bớt quần áo và thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để trẻ không bị thấm lạnh. Với các bà mẹ mang thai cần chú ý chăm sóc bản thân nhiều hơn trong những ngày giá rét; giữ gìn sức khỏe, sử dụng thực phẩm an toàn, ăn đủ chất để tăng sức đề kháng đồng thời giữ tâm lý tốt để tránh ảnh hưởng đến thai. Với bệnh tiêu chảy do virus cũng có những trẻ bị đi ngoài rồi mới nôn nhưng đại đa số đều bị nôn trớ rồi mới đi ngoài vì vậy có thể nói, nôn trớ là một trong những dấu hiệu cơ bản để nghĩ đến khả năng trẻ bị tiêu chảy. Hiện tượng nôn trớ do trẻ bị nhiễm virus gây tiêu chảy cũng đến rất bất ngờ, trẻ vẫn chơi đùa khỏe mạnh, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này. Nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy, vì thế cần bù nước cho trẻ ngay nếu không tình trạng mất nước sẽ khiến trẻ suy kiệt nhanh chóng. Khi thấy trẻ nôn, bố mẹ có thể phân biệt với các bệnh khác bằng cách chú ý bụng của trẻ. Hầu hết trẻ nhiễm virus gây tiêu chảy đều có hiện tượng đầy hơi, trướng bụng khó tiêu và đây chính là nguyên nhân khiến trẻ ăn vào, dạ dày lại co bóp tống thức ăn ra ngoài, gây nôn.

Ngoài ra, với người lớn đặc biệt là những người cao tuổi, Bác sĩ Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đưa ra lời khuyên, buổi sáng ngủ dậy, đang ở trong chăn ấm, cần từ từ ngồi dậy, kéo bỏ dần chăn xuống để cơ thể thích ứng với nhiệt độ phòng, sau đó, mặc thêm áo ấm rồi mới xuống giường. Với các hoạt động khác trong ngày, kể cả ra ngoài đi dạo, các cụ cũng cần thong thả, từ từ để cơ thể thích nghi dần khi bước ra ngoài vì nhiệt độ ngoài trời và trong nhà rất chênh lệch. Khi ra ngoài, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là đủ ấm và tránh gió, không để gió lùa vào tai, đầu, cổ, chân… thì sẽ giúp thân nhiệt đủ ấm, không gây mất nhiệt khiến đổ bệnh…