Thắt chặt việc kiểm soát thức ăn đường phố

16:13, 19/01/2013

Ngày 20/1/2013, Thông tư số 30 của Bộ Y tế Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ chính thức có hiệu lực.

Dạo một vòng qua các tuyến đường trên địa bàn thành phố, như: Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn, khu vực các cổng trường học (đại học, THPT, cổng chợ Thái... đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp các quán bán hàng thức ăn chế biến sẵn, quán ăn ngay trên vỉa hè... Cùng với đó là những xe, gánh hàng rong có mặt ở khắp các nẻo đường. Theo  thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 8.000 các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm, trong đó, hình thức kinh doanh thức ăn đường phố chiếm trên 60% tổng số các cơ sở này. Ai cũng biết, thức ăn đường phố thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vì không ít quán ăn nằm sát bên rãnh nước thải, gần đường nhiều nhưng người tiêu dùng họ vẫn lựa chọn bởi sự tiện lợi và nhanh chóng.

 

Thông tư 30 được áp dụng đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý đối với các loại hình kinh doanh thực phẩm. Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chị cục VSATTP tỉnh cho biết: Để triển khai Thông tư 30 một cách hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu với tỉnh để phân cấp quản lý. Cụ thể, các cơ sở, nhà hàng, khách sạn có giấy phép kinh doanh của tỉnh sẽ do tỉnh quản lý, những cơ sở do huyện cấp giấy phép kinh doanh sẽ giao cho huyện quản lý và những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không được cấp giấy phép kinh doanh sẽ thực hiện ký cam kết đảm bảo VSATTP với cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan này sẽ có trách nhiệm quản lý. Trước thực trạng hiện nay, đúng là rất khó quản lý đối với thức ăn đường phố. Nhiều người dân buôn bán chốc lát rồi đi, không có cơ sở ổn định. Để quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này, trước hết các các xã, phường, thị trấn phải rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở, các gia đình có kinh doanh thức ăn đường phố, đồng thời ưu tiên cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP hoặc cho ký cam kết trước đối với những cơ sở có địa điểm cố định. Những cơ sở không đảm bảo quy định thì kiên quyết không cho thực hiện việc kinh doanh.

 

Bà Nguyễn Thị Thủy, tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, chủ một gánh hàng bán bún bộc bạch: "Mặc dù chưa được biết về Thông tư này, nhưng nếu như đã là quy định của Nhà nước thì tôi cũng phải thực hiện thôi. Bảo đảm VSATTP là trách nhiệm chúng tôi phải tuân thủ".

 

Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố cũng không khỏi lo lắng về việc Thông tư 30 quy định: "Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng", bởi theo họ, ngoại trừ những nguyên liệu mua ở những cửa hàng lớn hoặc siêu thị ra, những thực phẩm thông thường được mua với số lượng ít như thịt, cá, rau, đậu đỗ... vẫn thường mua ở chợ thì không thể có hóa đơn hay chứng từ. Bà Trương Thị Phụng, bán hàng xôi sáng trên đường Bắc Kạn (đoạn gần ngã 3 Mỏ Bạch) bày tỏ: "Tôi nấu xôi bán hàng ăn sáng, gạo, đỗ, thịt đều mua ngoài chợ. Đi chợ bao nhiêu năm nay nhưng tôi chưa bao giờ thấy có hóa đơn hay giấy chứng nhận xuất xứ nguồn hàng".

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Cảnh cho biết thêm: Việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu chế biến thức ăn không nhất thiết đều phải có hóa đơn. Những mặt hàng như rau, thịt, bún, bánh phở... mà những người bán hàng nhỏ lẻ tiêu thụ không lớn có thể thay thế bằng quyển sổ hai đầu, để bên bán và người mua ghi rõ việc trao đổi hàng hóa kèm theo chữ ký xác nhận. Đây là việc người bán thức ăn đường phố hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người dân không nên vì sự tiện lợi trước mắt mà chủ quan trong việc lựa chọn thức ăn đường phố và những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP, tuyệt đối không sử dụng những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Thông tư 30 ra đời có ý nghĩa thiết thực trong việc khắc phục tình trạng mất VSATTP. Đây được coi là hành lang pháp lý để tiến tới đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, bảo vệ sức khỏe của người dân và góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Để mục đích của Thông tư sớm được hiện thựa hóa cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và hơn hết là nhận thức của người dân kinh doanh và sử dụng thực phẩm.