Từ 2 vụ sập mái nhà khi thi công: Cảnh báo vấn đề mất an toàn trong xây dựng

09:51, 21/01/2013

Có thể nói chưa lúc nào vấn đề an toàn trong xây dựng lại được dư luận đặc biệt quan tâm như trong những ngày gần đây. Hai vụ sập mái nhà trong khi đang đổ bê tông xảy ra liền nhau, một tại Dự án xây dựng Chợ Đồng Quang II (T.P Thái Nguyên) ngày 16/1 và một tại công trình xây dựng Nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) ngày 17/1, đã khiến dư luận không thể không lo ngại.

Xin điểm qua đôi nét về hai vụ việc nói trên để chúng ta có cái nhìn bao quát và sát thực hơn về những sơ xuất không đáng có cũng như sự tắc trách không chỉ của các đơn vị thi công mà còn của các nhà quản lý chuyên môn. Khi đơn vị thi công đang tiến hành đổ bê tông mái trần tầng 1 công trình Chợ Đồng Quang II thì bất ngờ cả khối sàn bê tông cốt thép đổ ụp xuống làm ít nhất 8 người bị thương, 2 người tử vong. Theo quan sát tại hiện trường thì toàn bộ diện tích mặt sàn bê tông rộng khoảng 80m2 thuộc khu vực cầu thang dẫn lên tầng 2 bị sập xuống. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, toàn bộ cây chống cốp pha đều là những thân gỗ tạp có đường kính khoảng từ 10 đến 12cm. Do vậy, lực chống rất yếu, nên khó có thể đảm bảo nâng được cả một lượng bê tông lớn đổ theo quy trình máy phun cao áp. Đáng lẽ, phía chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đông Á và các đơn vị giám sát phải yêu cầu đơn vị thi công sử dụng hệ thống giàn giáo thép có lực chống đảm bảo thì chắc hẳn sự việc đáng tiếc nói trên sẽ không xảy ra. Theo các chuyên gia ngành Xây dựng thì việc công trình Chợ Đồng Quang II với quy mô lớn như vậy mà lại sử dụng cây chống thủ công thì không thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật đề ra.

 

Trường hợp thứ hai cũng có những yếu điểm tương tự. Sau khi vụ việc sập mái công trình xây dựng Nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm xảy ra, người đứng đầu ngành Xây dựng của tỉnh, ông Trần Dương Hợp đã khẳng định: “Nguyên nhân sập mái Nhà thờ được xác định bước đầu là do lỗi thi công cùng với việc bê tông được trộn thủ công, trời lại mưa làm nền đất yếu, dễ lún. Đây là một công trình xây dựng tương đối lớn nhưng hầu hết cột chống và giàn giáo lại chủ yếu là các loại bạch đàn và gỗ tạp, không đủ sức chống đỡ hàng trăm tấn bê tông nên việc sập mái là hậu quả tất yếu”. Mặc dù công trình này có hồ sơ thiết kế do Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên lập năm 2011 (chủ trì thiết kế là Kiến trúc sư Phan Thanh Lâm; hồ sơ cấp phép tại Giấy phép xây dựng số 76/GPXD cấp ngày 15/9/2011), nhưng việc thi công công trình chủ yếu là do người dân thực hiện, việc giám sát mang tính pháp lý của các cơ quan chuyên môn không có nên mới xảy ra vụ việc thương tâm trên. Mặt khác, phần mái của Nhà thờ có độ cao khoảng 10-14 mét, trong khi những cây chống chỉ có độ dài chừng 3-4 mét, đường kính khoảng 10-12cm, nên để đủ chiều cao, người dân đã phải nối 3-4 cây chống. Điều đáng nói là các cây chống này chỉ được nối vào nhau bằng đinh và dây thừng.

 

Thực trạng về vấn đề mất an toàn trong thi công xây dựng, kể cả các công trình của tập thể lẫn công trình dân dụng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây được xem là vấn đề đáng báo động. Nhiều đơn vị sau khi đã trúng thầu các công trình xây dựng thì chỉ biết lo mảng thi công sao cho vừa tiết kiệm tối đa chi phí vừa đảm bảo tiến độ, còn vấn đề an toàn thường bị xem nhẹ. Không ít đơn vị thi công đã gắn lên công trình tấm biển “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, nhưng thực chất công nhân vẫn đầu trần đi làm, lưới bảo vệ công trình không có, giàn giáo, cốp pha đều là cây gỗ tạp được gá ghép thủ công… Không ít công trình thi công gần khu dân cư đông đúc, sát cạnh đường dân sinh nhưng không có tấm thép che chắn, gạch ngói, vôi vữa… rơi vãi tràn cả ra ngoài hành lang công trình làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường và an toàn không chỉ với các công nhân trực tiếp thi công mà còn với cả người dân sống xung quanh. Với những trường hợp như vậy, rất nhiều người đặt câu hỏi không biết đơn vị giám sát thi công có biết không, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng và an toàn lao động đã làm gì, các cuộc thanh, kiểm tra về vấn đề an toàn có thực sự hiệu lực, hiệu quả…?

 

Trong bài viết này chúng tôi mới chỉ nói về các công trình xây dựng của tập thể, gồm rất nhiều ban, bệ đứng ra giám sát và chịu trách nhiệm, còn các công trình dân dụng do người dân tự xây dựng thì sẽ ra sao? Qua 2 vụ việc thương tâm trên, theo chúng tôi công tác quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh càng cần phải được siết chặt hơn nữa; các cấp, ngành chức năng phải thực sự quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác này. Trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan cũng phải được xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, để các hoạt động xây dựng trên địa bàn thực sự đi vào quy củ, giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn đáng tiếc.