Ngày 24/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012 với chủ đề “Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới”.
Báo cáo này được WB thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, có tập hợp các góp ý và dữ liệu đầu vào quan trọng của các nhà nghiên cứu và chuyên gia Việt Nam cũng như các đối tác quốc tế, gồm 6 chương, kèm theo 7 phụ lục.
Trình bày báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Valerie Kozel - chuyên gia kinh tế cao cấp WB nhận định, thành tích của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong hai thập kỷ qua là rất lớn. Nếu sử dụng chuẩn nghèo “dựa theo nhu cầu cơ bản” như thống nhất từ đầu vào năm 1998, tỷ lệ nghèo tính theo đầu người giảm từ 58% vào đầu thập kỷ 1990 xuống 14,5% năm 2008. Theo chuẩn này, tỷ lệ nghèo ước giảm xuống dưới 10% vào năm 2010. Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kể ở các khía cạnh đời sống khác, từ tỷ lệ nhập học tiểu học và trung học cao, cải thiện về y tế, tới giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Trong một số trường hợp, Việt Nam thậm chí còn vượt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nhiệm vụ giảm nghèo vẫn chưa hoàn tất. Xét ở một số phương diện, nhiệm vụ đó hiện khó khăn hơn. Chuẩn nghèo theo “nhu cầu cơ bản” của Việt Nam, được thống nhất vào đầu thập kỷ 90, rất thấp so với chuẩn quốc tế và các phương pháp được sử dụng để theo dõi nghèo từ đầu thập niên 90 đến nay đã trở nên không còn phù hợp. Các tiêu chuẩn áp dụng cho Việt Nam khi còn là một nước thu nhập thấp vào thời điểm đó không còn phù hợp với một Việt Nam đang vươn lên thành nước có thu nhập trung bình trong giai đoạn hiện nay. Dù hàng chục triệu gia đình Việt Nam đã thoát nghèo trong thập kỷ qua, nhưng rất nhiều hộ dân trong số đó có thu nhập rất sát chuẩn nghèo và vẫn rất dễ tái nghèo, do các cú sốc đặc thù (mất việc, tai nạn, gia đình có người ốm, tử vong) hoặc do các cú sốc có liên quan trong toàn nền kinh tế (tác động của biến đổi khí hậu tới lượng mưa và nhiệt độ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009).
Báo cáo khẳng định, Việt Nam đã có những thành công lớn trong giảm nghèo, nhưng vẫn còn những thách thức như: Trong nhóm các dân tộc thiểu số, dù 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm dưới 15% tổng dân số của cả nước, nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo trong năm 2010, so với 29% vào năm 1998. Theo chuẩn nghèo cập nhật phản ánh mức sống năm 2010, có tới 66,3% người dân tộc thiểu số được phân loại nghèo, so với 12,9% ở người Kinh...