Vừa ăn vừa sợ: Rau, thịt "bẩn" đứng đầu

08:07, 10/01/2013

Chiều 9-1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã có cuộc giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm ATVSTP năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.  

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về ATVSTP cho thấy, trong năm 2012, đặc biệt trong dịp cuối năm tình hình vi phạm VSATTP có diễn biến hết sức phức tạp. Các vi phạm chủ yếu là: vi phạm về nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.

 

Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm, gia súc, gia cầm qua biên giới liên tục thay đổi thời gian, địa điểm tập kết vi phạm; thay đổi biển số xe hoặc sử dụng biển số giả, cho người đi trinh sát dò đường trước khi chuyển hàng, thậm chí dùng cả công cụ hỗ trợ để chống trả lực lượng kiểm tra…

 

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 8.200 vụ vi phạm về VSATTP với số tiền xử phạt lên tới hơn 10,7 tỷ đồng.

 

Tình trạng sản xuất và buôn bán rau, thịt an toàn còn diễn biến phức tạp chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu. Kết quả kiểm tra 5.330 mẫu nông sản cho thấy có 364 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; có 372 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và 70 mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất cấm trong chăn nuôi trên 1.434 mẫu thịt.

 

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tồn tại này là do thông tư về VSATTP chưa ra đời trong khi đó cán bộ yếu kém mỏng, Viện kiểm nghiệm VSATTP ở địa phương còn yếu. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh các cơ sở nhỏ lẻ không hề bảo đảm. Việc xử lý vi phạm ở xã, địa phương đa số chỉ nhắc nhở chứ chưa hề xử phạt. Trong khi đó, kinh phí tiêu hủy thiếu nên nhiều lô hàng nội tạng bắt được để thối chưa thể tiêu hủy.

 

Trong thời gian tới, những cơ sở không đạt chất lượng VSATTP phải bị công bố trên thông tin đại chúng để người dân tẩy chay. Đây là phương thức hữu hiệu nâng cao chất lượng thực phẩm.

 

Trong dịp Tết Nguyên đán này, Bộ Y tế sẽ quyết liệt xử lý vi phạm vệ sinh ATTP, đặc biệt chú ý thực phẩm tiêu thụ mạnh. Thời gian tới sẽ dán tem cho sản phẩm an toàn, kiểm soát từ đầu nguồn các trang trại để các bà nội trợ lựa chọn.

 

Vi phạm nghiêm trọng chủ yếu ở các tỉnh miền bắc

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho hay, bức xúc nhất là VSATTP với rau, thịt. Đối với thịt, trên 1.434 mẫu kiểm tra thì có tới 26% vi phạm vi sinh vật, hơn 4% có chất cấm. Dư lượng chất bảo vệ thực vật rau quả trên 5.000 mẫu có 6,8% thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Người nuôi cho chất cấm vào trong thức ăn.

 

Trong số 49 tỉnh tiến hành kiểm tra phân loại thì có đến 43,5% tỉnh xếp loại các vi phạm nghiêm trọng, phía bắc cao hơn nhiều miền nam. Tình trạng báo cáo cơ sở chấn chỉnh là có nhưng rất chậm. “Rõ ràng từ việc quyết liệt xử lý chất cấm trong chăn nuôi đầu năm và ngăn chặn gia cầm nhập lậu cuối năm cho thấy, dù khó đến mấy nếu chúng ta quyết tâm cũng có thể làm được”, ông Phát nhấn mạnh.

 

Về trồng trọt tình trạng vi phạm ATVSTP được cải thiện nhưng không đồng đều, bền vững, “bức tranh” sản xuất rau không thấy sự chuyển biến đáng kể. Tại 46 tỉnh, Sở Nông nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận rau an toàn cho 6.311 ha, còn hơn 16.000 ha chưa được công nhận vì thiếu rau an toàn.

 

“Địa phương kêu quy hoạch vùng rau phải có đất, rồi lại thiếu nguồn lực nhưng theo tôi chính là sự quan tâm chỉ đạo của chúng ta còn chưa đúng mức. Chúng ta cần tập trung vào sản phẩm, khâu có nguy cơ cao, làm thí điểm hai đến ba tỉnh rồi rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. Nhân rộng các cơ sở thực phẩm đăng kí nhãn mác. Cơ sở sản xuất dù nhỏ cũng phải đăng ký nhãn mác tạo thói quen cho người dân”, ông Phát nói.

 

Tăng mức xử phạt

 

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công An) Trần Trọng Bình cho hay, tội phạm trong lĩnh vực VSATTP sử dụng hóa chất độc hại đưa vào chế biến thực phẩm gây ung thư tăng như bột ớt trộn chất Rhodamine B gây ung thư ở Cẩm Giàng Hải Dương, chất tạo nạc trong chăn nuôi tăng tại TP Hồ Chí Minh hay đậu rang cháy cộng chất tạo mùi biến thành cà phê…Tuy nhiên biện pháp xử lý vi phạm hành chính vẫn là chủ yếu.

 

Trước tình trạng trên, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiến nghị các cơ quan ban ngành nên tiến hành cách kiểm tra khác đi, bởi do phối hợp liên ngành nhiều người cùng đi kiểm tra nên cơ quan chức năng chưa đi kiểm tra thì cơ sở đã biết. Nên giao thẩm quyền, trách nhiệm hơn cho người kiểm tra tránh ồn ào, hình thức đánh động cho cơ sở biết để tránh kiểm tra.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thì cho rằng, nhân lực để kiểm tra VSATTP ở các địa phương hiện quá mỏng. Hà Nội có gần 50 nghìn địa điểm kiểm tra giám sát trong khi Chi cục quản lý thành phố lại chỉ có 35 biên chế. Như thế, mỗi quận huyện có hai người thì kiểm tra thế nào. Hà Nội đề nghị tăng mức xử lý vi phạm, vì vụ lớn xử lý được vụ nhỏ họ bỏ hàng ngay.

 

Phát biểu tại phiên họp Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Cả nước có ba huyện chưa có ban chỉ đạo VSATTP. Năm vừa qua công tác VSATTP được đẩy mạnh, bước đầu gắn bó người sản xuất với người tiêu tùng, xử lý gà nhập lậu đồng thời hoàn thiện cơ chế để nhân rộng xử lý việc khác. Tuy nhiên, xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết, 78% vi phạm ở cấp xã mới dừng lại ở nhắc nhở.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu cả kênh chính thức và tiểu ngạch. Đẩy mạnh vận động ba không, không sản xuất, tiêu thụ, chế biến không an toàn, đẩy mạnh xây dựng chợ an toàn. Xây dựng xã phường an toàn về thực phẩm. Bổ sung tiêu chí VSATTP trong tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh an toàn ở bếp ăn tập thể, trong sản xuất sử dụng rượu, đặc biệt trong dịp Tết. Đẩy mạnh liên kết các địa phương để tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tăng cường kiểm tra giám sát trong an toàn thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết, hoàn thiện văn bản hướng dẫn dễ xử lý vi phạm.