Xe buýt đóng “thuế” đường: Áp lực lên giá vé

10:35, 18/01/2013

Với 1.500 xe buýt phải đóng phí sử dụng đường bộ, ước tính mỗi năm Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) phải chi hàng chục tỷ đồng.

Nộp phí đường bằng... xoay chuyển vốn ngân sách

Là loại hình vận tải công cộng đang được khuyến khích phát triển nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, ty nhiên, theo thông tư hướng dẫn 197 của Bộ Tài chính, xe buýt vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ.

Việc phải nộp phí đường sẽ khiến chi phí của xe buýt tăng lên đáng kể và dấy lên lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé dành cho người dân.


Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết: Là doanh nghiệp nhà nước, nhưng không được ưu tiên nên tổng công ty vẫn phải chấp hành việc đóng thuế.

Tuy nhiên, ông Thông cũng cho rằng, xe buýt phải nộp “thuế” đường chẳng khác nào xoay chuyển nguồn vốn ngân sách của Nhà nước. Bởi, hiện nay loại hình phương tiện này vẫn đang được Nhà nước trợ giá.

“Xe buýt nếu nộp phí vào quỹ bảo trì đường bộ sau đó quỹ của ngân sách thành phố lại chi ra để trợ giá thì chẳng khác nào quay đi quay lại nguồn vốn”, ông Thông nói.

Đề cập đến việc số lượng xe buýt phải đóng phí đường có thể sẽ là gánh nặng, ông Thông thừa nhận, Transerco hiện nay có hơn 1.500 xe buýt và số tiền đóng nếu tính thấp nhất 1 triệu đồng/xe thì mỗi năm cũng mất tới hàng chục tỷ đồng.

“Tới đây, xe đến hạn đăng kiểm mà vẫn phải nộp phí bảo trì… thì đây sẽ là một khoản tương đối lớn!” - ông Thông đánh giá.

Thu phí để tạo tính công bằng

Liên quan đến lo ngại giá vé xe buýt có thay đổi khi chi phí tăng lên, ông Thông cho biết: Nếu thay đổi giá vé thì phải làm sao cho phù hợp để đỡ gánh nặng ngân sách.

“Nhà nước vẫn phải hỗ trợ giá cho xe buýt. Do vậy, giá vé có tăng hay không đều phụ thuộc vào việc trợ giá của ngân sách thành phố. Nếu thay đổi giá vé theo chính sách về thuế, phí thì phải làm sao cho phù hợp để vừa đỡ gánh nặng ngân sách vừa tạo môi trường hoạt động thuận tiện cho xe buýt”, ông Thông nhận định.

Trong khi đó, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện nay có hai loại xe buýt là xe buýt được trợ giá và không trợ giá (tuyến buýt kế cận đi các tỉnh, thành).

Vì thế, Nhà nước tiến hành thu phí xe buýt là tạo sự công bằng. Bởi nếu không thu các tuyến trợ giá thì các tuyến kế cận sẽ có phản ứng và ý kiến.

Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá, ông Liên đồng tình quan điểm nếu loại hình này nộp phí sử dụng đường bộ thì cũng chỉ là nguồn vốn ngân sách được xoay vòng.

“Quỹ bảo trì đường bộ là vốn ngân sách, sau khi được thu quỹ sẽ được gửi lại 35% về cho các địa phương. Trong khi trợ giá xe buýt cũng là ngân sách địa phương nên thực ra cũng chỉ là một”, ông Liên chia sẻ.

Đối với các tuyến buýt kế cận, ông Liên cho rằng, khi phí bảo trì được thực hiện, các tuyến này sẽ được quyền tăng giá vé, bởi đây là những doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu vào loại hình vận tải công công và không được hỗ trợ giá.