Theo chủ trương của Chính phủ, đến hết năm 2010, các địa phương phải hoàn thành việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Thực hiện chủ trương này, từ tháng 12 năm 2008, huyện Phổ Yên đã phê duyệt Đề án Quy hoạch sản xuất gạch đất nung giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn 2020. Theo lộ trình của Đề án thì những lò thủ công không ống khói, không thuộc vùng quy hoạch sẽ phải chấm dứt hoạt động từ cuối năm 2010. Tuy nhiên, đến nay, trong tổng số 173 cơ sở sản xuất gạch đất nung trên địa bàn huyện vẫn còn 17 lò thủ công đang sản xuất.
Để Đề án được thực hiện có hiệu quả, huyện Phổ Yên đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, thông báo các khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu, khu sản xuất gạch đất nung theo Đề án đã được phê duyệt; hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý và hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn; ban hành văn bản yêu cầu các xã chỉ đạo các cơ sở dừng ngay việc sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công. Ông Dương Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến cho biết: Để xóa bỏ các lò gạch thủ công, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự ý tháo dỡ. Đối với những hộ cố tình vi phạm, chúng tôi đã tăng cường lực lượng tiến hành kiểm tra, xử phạt. Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ kiểm tra và xử phạt chủ lò về việc gây ô nhiễm môi trường thì nay kiểm tra cả việc chấp hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất. Tuy nhiên, theo thống kê, trên địa bàn xã Nam Tiến hiện vẫn còn 7 lò gạch thủ công ở xóm Hộ Sơn đang sản xuất.
Đắc Sơn cũng là một trong những địa phương có số lượng lò gạch thủ công lớn của huyện. Có mặt tại xóm Chùa 2 những ngày đầu tháng 1, chúng tôi thấy một số lò gạch thủ công vẫn nhả khói, trong số này, có cả những hộ đã được UBND huyện phê duyệt phương án chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò thủ công sang lò kép có ống khói cao 25m trở lên nhưng chưa thực hiện. Bà Bùi Thị Chúc, chủ 1 lò gạch phân trần: Gắn bó với nghề làm gạch gần 2 chục năm nay, bà con chúng tôi đất nông nghiệp ít, cũng chẳng có việc gì làm thêm nên đời sống rất khó khăn. Tôi đã biết quy định của Nhà nước và chỉ xin phép đốt nốt chỗ than, đất còn đang dở. Xã cũng đã xuống kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt. Để xây một lò đốt có ống khói cao từ 25m trở lên phải mất gần 200 triệu đồng, chúng tôi cũng chưa biết xoay xở đâu ra. Tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Cạnh đó, hộ ông Phạm Văn Bình cũng là một trong những chủ lò đã được phê duyệt phương án chuyển đổi công nghệ nhưng cũng chưa hoàn thiện. Hôm chúng tôi đến thực tế, lao động vẫn đang gánh gạch vào lò, gạch mộc phơi ngoài bãi còn rất nhiều. Ông Bình nói: Để có được một mẻ gạch ra lò, chúng tôi cũng phải mất rất nhiều chi phí như: tiền than, tiện điện, tiền thuê nhân công... Ngoài ra, năm 2010, gia đình tôi cũng phải mất 77,6 triệu đồng để chuyển đổi mục đích sử dụng 1.500 m2 đất. Với giá bán trung bình hiện nay là 800 đồng/viên, sau khi trừ hết chi phí cũng chẳng còn lãi được bao nhiêu. Để hoàn thiện lò đốt theo tiêu chuẩn phải mất ít nhất 250 triệu đồng. Tôi đang xây lò kép đôi có ống khói cao trên 25m nhưng chưa đủ vốn nên phải dừng lại.
Được biết, xã Đắc Sơn có 92 lò gạch thủ công thì có 45 lò đã đăng ký chuyển đổi sang lò kiểu mới, còn 40 lò người dân tự ý tháo dỡ, hoặc đã dừng sản xuất, hiện vẫn còn 7 lò thủ công đang hoạt động. Ông Nguyễn Hà Thường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chính quyền địa phương vẫn bố trí lực lượng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các chủ lò phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước. Xã quyết tâm từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu hộ nào không chấp hành nghiêm chỉnh sẽ tiến hành cưỡng chế, thu giữ phương tiện. Đối với các hộ đã được UBND huyện phê duyệt phương án chuyển đổi mà không thực hiện xã cũng sẽ đề nghị huyện thu hồi quyết định phê duyệt.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, toàn huyện Phổ Yên vẫn còn 17 lò thủ công đang hoạt động, trong đó: Xã Nam Tiến 7 lò, xã Đắc Sơn 7 lò, xã Tân Hương 2 lò và xã Đồng Tiến 1 lò. Có thể thấy, sau khi bị kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt, các hộ dân vẫn cố tình sản xuất và chính quyền địa phương từ huyện đến xã cũng chưa có những biện pháp xử lý triệt để. Theo ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phổ Yên, Phòng đã phối hợp với các phòng chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã ban hành 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền 55,5 triệu đồng, tiến hành cưỡng chế 4 trường hợp thuộc xã Đắc Sơn. Huyện Phổ Yên đã triển khai 9 hội nghị và ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đối với các xã, thị trấn trên địa bàn. UBND huyện cũng đã nhiều lần tổ chức họp với lãnh đạo các xã, các ngành chuyên môn của huyện, đồng thời đã có thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương xóa bỏ lò gạch xong trước ngày 31/12/2012 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thiết nghĩ, cùng với việc tuyên truyền, phát triển vật liệu xây dựng không nung, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết tháo dỡ toàn bộ các lò gạch thủ công để khôi phục, cải thiện chất lượng môi trường; đồng thời quan tâm, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.