Càng gần tết, nhu cầu sử dụng ATM càng tăng và đồng nghĩa với việc này là nhiều cây ATM lâm vào cảnh quá tải, hết tiền. Nhiều khách hàng chầu chực cả tiếng đồng hồ, đến lượt thì máy báo hết tiền, thậm chí có người còn bị máy “nuốt” luôn thẻ, vào ngân hàng giao dịch cũng phải ngồi đợi cả giờ…
Trong vài năm trở lại đây, có nhiều đơn vị chi trả lương qua thẻ ATM, nên cả tiền thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên cũng được trả vào tài khoản. Nếu đơn vị nào thưởng sớm, nhân viên cũng may mắn vì rút tiền dễ dàng hơn, nhưng với những đơn vị thưởng Tết muộn cũng đồng nghĩa với việc nhân viên phải chạy khắp nơi mới rút được tiền sắm Tết. Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên lượng người đi rút tiền tại các máy ATM cũng đông hơn thường ngày, khiến máy ATM liên tục rơi vào tình trạng quá tải. Tình trạng phải “rồng rắn” xếp hàng chờ rút tiền ở các máy ATM không chỉ xảy ra tại các khu công nghiệp mà cả ở siêu thị...
Nhiều công nhân các khu công nghiệp phải đến sát ngày Tết mới có lương và thưởng. Tranh thủ giờ tan ca ít ỏi, họ vội vàng chạy ra các cây ATM để rút tiền nhưng tình cảnh xếp hàng chầu chực, máy báo lỗi, máy hết tiền... gần như đang là nỗi ám ảnh và thử thách với những người lao động xa quê đang cần có tiền về quê ăn tết như thế này. Bản thân người viết bài này cũng đã từng chứng kiến cảnh công nhân khu công nghiệp Thăng Long - Nội Bài chen chúc xếp hàng chờ rút tiền trong các cây ATM tầm chiều muộn ngày 6/2 (tức 26 tết). Đồng thời để tránh cảnh phải chầu chực xếp hàng, rút nhiều lần ở cây ATM do hạn mức rút mỗi lần dưới 2 triệu nên tác giả bài viết cũng phải chủ động vào chi nhánh ngân hàng thực hiện giao dịch vào sáng ngày 7/2 (tức 27 tết) nhưng cũng phải chờ gần tiếng đồng hồ mới đến lượt.
Phải xếp hàng để rút tiền những ngày giáp Tết là cực hình với người lao động nhưng “hãi” nhất là khi máy ATM nuốt luôn thẻ. Bởi bị máy nuốt thẻ, thì phải xin nghỉ xin nghỉ một ngày để đi làm thẻ lại. Nghỉ một ngày nên tiền chuyên cần cũng theo đó bị công ty cắt luôn.
Trao đổi với báo chí, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, nhu cầu tiền mặt ở một cây ATM rất lớn, trung bình khoảng 500 triệu đồng. Tại một số cây ATM tại TPHCM và Hà Nội trong dịp Tết năm ngoái nhu cầu tiếp quỹ lên tới 800 triệu - 1 tỷ đồng/ngày. Để đảm bảo cho các cây ATM không bị thiếu tiền, các ngân hàng đã lên kế hoạch tiếp quỹ liên tục trong tất cả các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đại diện các ngân hàng thừa nhận với số lượng thẻ phát hành trên phạm vi cả nước hiện đạt khoảng 54 triệu thẻ, gần 14.000 máy ATM và hơn 99.400 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt, với tần suất giao dịch tăng vọt vào dịp cuối năm, có thời điểm tăng tới trên 300% - 400% sẽ khó tránh được tình trạng nghẽn mạng.
Đại diện Maritime Bank khẳng định, việc giám sát ATM được thực hiện liên tục hằng ngày. Cụ thể, Maritime Bank phối hợp với các doanh nghiệp xác định quỹ lương thưởng và ngày chi trả để chuẩn bị lượng tiền cũng như tần suất tiếp quỹ phù hợp.
Đại diện OceanBank cho biết, do thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày nên nhu cầu tiếp quỹ tiền mặt tại các cây ATM là rất lớn. Tính trung bình, mỗi cây ATM cần gần 1 tỷ đồng cho mỗi lần tiếp quỹ và số tiền phải đảm bảo đủ mệnh giá nhằm đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Đại diện VietinBank cho biết, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong những ngày cao điểm sát Tết Nguyên đán, ngân hàng đã tăng cường lắp đặt bổ sung thêm máy ATM tại một số khu vực đông khách hàng giao dịch, tăng tần suất tiếp quĩ đồng thời bố trí các kíp trực theo dõi lượng tiền mặt tại các máy ATM để tiếp quỹ kịp thời, cũng như theo dõi trạng thái của máy ATM để phát hiện và chủ động xử lý nhanh sự cố nghẽn mạng, mất điện và những hiện tượng bất thường.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng ACB cũng cho biết, do các cây ATM của ACB được đặt ngay tại các điểm giao dịch nên việc kiểm tra tiền và tiếp quỹ của ngân hàng được thực hiện liên tục.
Còn theo đại diện Ngân hàng HDbank, để tránh nghẽn cho dịp Tết, dịch vụ trên thẻ HDBank ngoài tính năng rút tiền, chủ thẻ còn có thể sử dụng thẻ để thực hiện các dịch vụ thanh toán khác hoàn toàn miễn phí mà không cần ra ATM để rút.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để chủ động trong việc điều hòa tiền mặt cả về số lượng và cơ cấu loại tiền, NHNN đã tổ chức điều chuyển đến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, nâng mức dự trữ tiền mặt tại các chi nhánh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của các địa phương. Đặc biệt ưu tiên các địa phương có mức thu - chi tiền mặt cao và tập trung nhiều các máy ATM như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
Tết là cao điểm rút tiền, nhưng hiện hệ thống ATM đã nối kết với nhau, do vậy khách hàng có thể rút tiền ở nhiều máy ATM khác nhau, không nên tập trung quá nhiều vào máy của ngân hàng phát hành thẻ dẫn đến quá tải, phải chờ đợi. Với máy ATM có dấu hiệu không bình thường hoặc nghi ngờ có sự cố, khách hàng không nên cố giao dịch mà nên tìm đến máy ATM của ngân hàng khác.
Nhiều ý kiến của chủ thẻ ATM cũng đề xuất, bên cạnh sự chuẩn bị của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ trong việc tiếp quỹ, không để tái diễn tình trạng các máy ATM đồng loạt hết tiền trong nhiều giờ như dịp gần Tết năm trướci; công bố số điện thoại đường dây nóng để khách hàng phản ánh, thông tin nhanh về chất lượng dịch vụ ATM dịp Tết Nguyên đán 2013.
Ngoài ra, các chi nhánh NHNN tại các địa phương cũng cần quan tâm khảo sát tình hình phát hành thẻ, tránh tình trạng có ngân hàng phát hành thẻ nhiều nhưng chất lượng phục vụ thấp, số lượng máy ít, dùng "ké" hạ tầng của những ngân hàng khác, tiếp quỹ chậm trễ, đẩy "cái khó" cho chủ thẻ.
Về phía các ngân hàng thương mại cần kịp thời theo dõi, dự báo sát nhu cầu rút tiền mặt, bố trí cơ cấu mệnh giá tiền hợp lý, tiếp quỹ kịp thời kể cả trong ngày nghỉ, công bố danh sách các địa điểm có đặt máy ATM của đơn vị mình, nếu máy bị hỏng chưa kịp sửa chữa cần thông báo để khách hàng đỡ mất thời gian thao tác.
Thêm vào đó, để bảo đảm an toàn cho hệ thống máy ATM, ngăn ngừa nguy cơ cướp giật, trộm cắp tại nơi rút tiền, cùng với sự nỗ lực, chủ động của các ngân hàng, sự cảnh giác, đề phòng của chủ thẻ rất cần sự quan tâm của lực lượng công an trong việc tuần tra, bảo vệ, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố và những khu, cụm công nghiệp có đông công nhân.