Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh

09:19, 28/02/2013

Năm 2012, toàn tỉnh có trên 23 nghìn trẻ được sinh ra. Đáng chú ý là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức khá cao, với tỷ số khoảng 114 bé trai/100 bé gái. Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương “nóng” nhất về vấn đề này.

Hiện Đồng Hỷ có tỷ số về giới tính khi sinh là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, cá biệt có những xã con số này còn tăng đột biến như thị trấn Trại Cau (trong năm qua có 88 trẻ được sinh ra trong đó 54 trẻ trai, tỷ lệ chênh lệch giới tính là 158 bé trai/100 bé gái) tiếp theo là các xã Hòa Bình (148/100); Tân Lợi (142/100); Hóa Thượng (134/100), Tân Long (130/100)...

 

 

Năm 2012, được xem là một năm đột biến về tỷ lệ sinh thô, với số trẻ được sinh ra trên địa bàn huyện tăng cao hơn 1,7 lần so với năm 2011, tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng tăng từ 107 lên 117 trẻ trai/100 trẻ gái. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường, dòng họ và thờ cúng tổ tiên. Một nguyên nhân khác, huyện có nhiều xóm, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như Hòa Bình, Tân Long, Văn Lăng, Tân Lợi... nhận thức của người dân, nhất là những cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ còn nhiều hạn chế, sự hiểu biết về hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh còn chưa đầy đủ.

 

Bác sĩ Triệu Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ nhận định: Tỷ lệ mất cân bằng giới tính trên địa bàn huyện thực sự đáng lo ngại. Năm vừa qua, 16/18 xã, thị trấn của huyện có sự chênh lệch tý số giới tính khi sinh, chỉ có 2 xã duy trì được ở mức cân bằng. Tình trạng này cũng sẽ chưa thể được giải quyết trong năm 2013. Với tốc độ gia tăng dân số và tỷ lệ chênh lệch giới tính như hiện nay nếu không được sớm điều chỉnh thì trong vòng 20 năm tới nó sẽ gây hậu quả to lớn đến đời sống xã hội.

 

Hòa Bình là 1 trong 2 xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất huyện. Tâm lý muốn có con trai tồn tại ở đại bộ phận những người dân ở xã vùng cao này. Trao đổi với chúng tôi, chị Nông Thị Bích Thiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bình cho biết: Nhiều khi chúng tôi đến tư vấn và vận động các đối tượng sinh con một bề là gái, những đối tượng đã có 2 con không nên sinh thêm hoặc những đối tượng chỉ muốn sinh con trai, không ít lần nhận được câu trả lời kiểu “tôi đẻ tôi nuôi”. Điều đáng nói là giờ những người sinh con thứ 3 và mong muốn có con trai nối dõi lại có cả ở những gia đình có kinh tế công nhân viên chức. Cùng chung tâm trạng này, chị Trần Thị Vân, cán bộ phụ trách dân số xã Tân Lợi chia sẻ: Để đạt được mục đích có con trai nhiều người đã dùng các biện pháp để can thiệp như soi trứng, tính ngày, tháng thụ thai, siêu âm lựa chọn giới tính... mặc dù chúng tôi cùng chính quyền địa phương thường xuyên thành lập đoàn đến tận nhà những cặp vợ chồng này để tuyên truyền, giải thích vận động, nhưng đúng là thay đổi tư duy của họ quả không dễ.

 

Từ cuối năm 2011 đến nay, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện đã triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tới tất cả 18 xã, thị trấn trên địa bàn. Thông qua các hội nghị tuyên truyền về luật bình đẳng giới, hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi và tỷ lệ chênh lệch giới tính. Đồng thời giao chỉ tiêu về từng trạm y tế ở các xã và xem đây là một trong những tiêu chí để xét thi đua cuối năm. Mặc dù vậy nhưng biện pháp này bước đầu vẫn chưa mang lại hiệu quả.

 

Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính không đơn thuần chỉ là việc nhiều thanh niên sẽ không lấy được vợ mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn khác có thể đoán định trước. Đó là tỷ lệ người độc thân, người già cô đơn sẽ tăng, trở thành gánh nặng cho xã hội. Bên cạnh đó sẽ dễ dẫn đến nguy cơ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm. Phụ nữ ít cũng sẽ ảnh hưởng đến bình đẳng giới, sự phấn đấu, và địa vị xã hội của phụ nữ sẽ bị ảnh hạn chế khi áp lực lập gia đình sớm ra tăng. Cơ cấu lao động trong xã hội cũng sẽ mất cân bằng, những ngành nghề cần lao động nữ sẽ bị thiếu hụt...

 

Để kiềm chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng như trên địa bàn tỉnh thiết nghĩ cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cơ sở nên đưa nội dung về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vào nghị quyết của cấp ủy. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền nội dung nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trong các buổi sinh hoạt của chi bộ, họp xóm, các buổi họp của các tổ chức đoàn thể...